Góp ý dự thảo thu thuế môi trường: Nên để doanh nghiệp nộp thuế

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp góp ý dự thảo thu thuế môi trường đối với 5 loại mặt hàng xăng dầu, than (trừ than bùn), chất làm lạnh chứa hydro-cloro-fluoro-carbon, túi ni lông (trừ túi ni lông sinh học) và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thay vì “áp” thuế đối với đối tượng chính là nhà sản xuất, luật mới - đáng ngạc nhiên - lại đánh thẳng vào túi tiền người tiêu dùng. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Đình Tuấn (ảnh), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Góp ý dự thảo thu thuế môi trường: Nên để doanh nghiệp nộp thuế

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp góp ý dự thảo thu thuế môi trường đối với 5 loại mặt hàng xăng dầu, than (trừ than bùn), chất làm lạnh chứa hydro-cloro-fluoro-carbon, túi ni lông (trừ túi ni lông sinh học) và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thay vì “áp” thuế đối với đối tượng chính là nhà sản xuất, luật mới - đáng ngạc nhiên - lại đánh thẳng vào túi tiền người tiêu dùng. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Đình Tuấn (ảnh), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cấn thiết phải ban hành Luật Thuế môi trường?

* Hiện ở nước ta, để phục vụ cho công tác quản lý môi trường có rất nhiều công cụ như pháp luật, chính sách, nhóm công cụ kỹ thuật, giáo dục, tuyên truyền… Thế nhưng những công cụ kinh tế như thuế môi trường, nhãn sinh thái, phí môi trường nhằm đánh vào thu nhập bằng tiền của hoạt động sản xuất còn ít được sử dụng. Mặc dù đây được đánh giá là nhóm công cụ cho phép nhà sản xuất, kinh doanh chủ động sử dụng nguồn lực của mình để thực hiện việc bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Do vậy, việc ban hành thuế môi trường trong thời gian tới là cần thiết và cấp bách.

* Thế nhưng, việc định mức thuế môi trường đối với 5 loại hàng hóa trên liệu đã hợp lý?

* Nguyên tắc của việc thu thuế môi trường là người gây ô nhiễm phải trả tiền. Thế nhưng căn cứ vào cách định thuế mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo việc định mức thuế trên là hoàn toàn không hợp lý.

Theo dự luật này được thông qua và sẽ áp dụng vào đầu năm 2012 thì mức thuế thu áp dụng đối với xăng là 1.000 – 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 – 2.000 đồng/lít, than là 6.000 – 30.000 đồng/tấn, túi ni lông là 20.000 – 30.000 đồng/kg và thuốc bảo vệ thực vật 1.000 – 5.000 đồng/kg. Với cách thức định giá và thu thuế như trên thì chính người tiêu dùng phải trả tiền. Còn doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng trên chỉ gián tiếp đóng thuế giùm người tiêu dùng mà thôi. Trong khi đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mới là đối tượng chính phải trả thuế này.

* Vậy theo ông, giải pháp nào thì mới thu đúng, thu đủ thuế môi trường mà người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất đều phải đóng?

* Thuế môi trường là đánh thuế vào một số sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người. Vậy thì mức thu phải căn cứ vào khối lượng chất thải ô nhiễm thải ra môi trường, mức độ độc hại đối với môi trường và khả năng chịu tải của môi trường. Đơn cử, đối với nhiên liệu đốt, thuế suất nhiều hay ít phụ thuộc vào hàm lượng khí thải SO2 thải ra. Thế nhưng, trong dự thảo trên mức thuế suất đối với xăng (vốn có hàm lượng lưu huỳnh gần như bằng không) lại cao hơn dầu mazut (vốn có hàm lượng lưu huỳnh lên tới 3%) là không hợp lý.

* Nếu dựa trên chất thải phát thải ra môi trường để đánh thuế thì liệu 5 mặt hàng trên đã đủ?

* Theo tôi, Bộ Tài chính cần phải tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện trên thị trường có hàng triệu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt. đơn cử như trong mặt hàng lần này có đánh thuế chất HCFC – chất làm lạnh, gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, cùng là chất gây hiệu ứng nhà kính còn có chất như mêtan, CO2, SO2… Ngoài ra, còn hàng ngàn hóa chất độc hại khác phát sinh từ hoạt động công nghiệp như PCB, COD, BOD, crom, kim loại, chì, nitơ…

Hiện ­các Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh thành đang triển khai thu phí nước thải công nghiệp. Theo đó, số tiền doanh nghiệp phải trả dựa trên thành phần chất thải và tải lượng ô nhiễm của doanh nghiệp xả vào môi trường. Tôi nghĩ, cách thu này là hợp lý và nên chăng việc thu thuế môi trường nên áp dụng hình thức này.

* Nếu áp dụng hình thức này thì liệu việc thu phí bảo vệ môi trường có chồng chéo với việc thu thuế môi trường?

* Dĩ nhiên là sẽ chồng chéo. Tuy nhiên, việc tháo gỡ chồng chéo này lại rất đơn giản mà hiệu quả kinh tế đạt được cũng rất cao. Đó là chuyển việc thu phí môi trường đối với khí thải, nước thải sang thành hình thức thu thuế môi trường.

Trên thực tế, việc thu phí môi trường trong 5 năm qua vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, thiếu biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp cố tình nợ phí. Tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương hiện có hàng ngàn doanh nghiệp chưa nộp phí bảo vệ môi trường từ năm 2004 đến nay. Còn nếu chuyển từ thu phí môi trường sang thuế môi trường thì hoàn toàn có thể khắc phục được vấn đề này. Theo đó, những doanh nghiệp không nộp thuế có thể bị xử lý hình sự. 

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục