TS. Nguyễn Đức Cường, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã trình hai kỳ họp Quốc hội khóa 5 và khóa 6. Đến nay, dự thảo luật có 10 chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều, tăng 1 chương, 1 mục so với Luật Giáo dục hiện hành.
Về nội dung, dự thảo luật được bổ sung thêm 5 chính sách mới gồm: Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên đại học, thạc sĩ; học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay, dự thảo luật còn nhiều điều khoản cần tiếp tục lắng nghe, xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục để chỉnh lý gồm: triết lý giáo dục, quy định về hướng nghiệp và phân luồng học sinh, chính sách cử tuyển, định hướng phân bổ ngân sách đầu tư, chế độ học phí, chuẩn đào tạo giáo viên, kỳ thi THPT quốc gia và vấn đề liên thông, tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Trong đó, nhiều ý kiến tiếp tục tranh luận về việc nên bỏ hay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, giáo dục là cả một quá trình gồm nhiều yếu tố đánh giá chứ không nên đánh giá người học chỉ qua một bài thi hay một kỳ thi gồm 4-5 môn học.
"Nếu lấy kết quả thi cử để đánh giá năng lực người học, chúng ta đã vô tình đánh giá thấp những yếu tố khác của giáo dục, tạo cơ hội cho tâm lý học chỉ để thi trong học sinh", TS Phạm Thị Ly bày tỏ.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã trao quyền cho cơ sở giáo dục đánh giá học sinh, có thể tổ chức đánh giá nhiều lần trong năm học. Nhiều ý kiến cũng đề xuất nên có thêm chứng nhận hoàn thành chương trình cho học sinh học xong lớp 12 nhưng không có nhu cầu thi hoặc thi không đậu kỳ thi THPT quốc gia, nếu em nào thi đậu sẽ có thêm bằng tốt nghiệp THPT.
Ở quan điểm ngược lại, thầy Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cho rằng, nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia. Nhà giáo này phân tích, sau khi kết thúc 3 năm học của bậc THPT cần có một cột mốc đánh giá lại toàn bộ quá trình học tập của học sinh, làm cơ sở chuyển qua giai đoạn học tập khác là giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, thầy Trọng kiến nghị phải điều chỉnh kỳ thi theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, trong đó quan trọng nhất là thay đổi quy mô và cách thức tổ chức. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nên có những rà soát, đánh giá lại tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nhưng không có nhu cầu học tiếp lên cao đẳng, đại học để có chính sách tổ chức phù hợp.
"Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ phát sinh nhiều hệ lụy không hay như chuẩn đầu ra cho học sinh không đảm bảo tính thống nhất giữa trường này với trường kia, vùng này với vùng kia. Về mặt quản lý hệ thống sẽ thiếu tính đồng nhất, không đảm bảo về chất lượng", thầy Trịnh Duy Trọng phân tích.
Ngoài ra, kết quả kỳ thi cũng là cơ sở dữ liệu chung của các trường phổ thông để từ đó cơ quan quản lý có thể phân tích, đánh giá hoạt động của toàn bộ cấp học, từ đó có những cơ chế quản lý và thiết kế chương trình phù hợp. Nếu sử dụng kết quả đánh giá nhỏ lẻ của từng trường sẽ khiến hệ số tin cậy không cao và thiếu tính thống nhất.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, bất cập hiện nay của kỳ thi THPT quốc gia là ngoài mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh còn là cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển khiến kỳ thi trở nên nặng nề, tạo thêm áp lực cho cả cơ sở giáo dục lẫn người học.