Việc bảo tồn các vùng đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường ở Việt Nam. Tại TPHCM, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ gần như là nơi duy nhất có những đặc trưng của vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu TPHCM, công tác bảo tồn và phát triển bền vững khu vực này nói riêng và các vùng đất ngập nước ở nước ta nói chung đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải.
° PV: Diện tích đất ngập nước ở TPHCM hiện đang bị thu hẹp dần, theo ông đâu là nguyên nhân?
° PGS-TS HỒ LONG PHI: Trước năm 1980, diện tích TPHCM gần 2/3 là vùng trũng thấp, phần lớn đất phèn trũng, có thể kể đến một số nơi như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Thiêm… Tuy nhiên, do các hoạt động phát triển kinh tế, sự đô thị hóa và gia tăng dân số dẫn đến san lấp, chuyển mục đích sử dụng đất, ô nhiễm môi trường khiến diện tích các vùng trũng ngày càng thu hẹp dần. Hiện nay, có thể nói Cần Giờ là khu vực tiêu biểu cho vùng đất ngập nước ở TPHCM.
Đối với TPHCM, khu vực Cần Giờ không chỉ là “lá phổi xanh”, “quả thận” lọc khí, giúp giảm bớt sự ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt đô thị gây ra, mà còn là tuyến đê tự nhiên chắn bão và có tác dụng điều tiết, ngăn chặn xâm mặn của biển và chống ngập, lụt do hiện tượng triều cường ở TPHCM.
° Ông có nhận xét gì về thực trạng nghiên cứu, thực hiện các dự án liên quan đến đất ngập nước ở TPHCM?
° Hiện nay công tác nghiên cứu về đất ngập nước ở TPHCM vẫn mang tính chuyên ngành, chưa mang tính tổng thể, dẫn đến thiếu cái nhìn chính xác và thực tế về hiện trạng đất ngập nước, cũng như chưa tạo
được độ nóng và sự quan tâm đúng mức. Các dự án liên quan đến vấn đề này của riêng TPHCM rất ít, đa số là các dự án có sự tham gia của quốc tế, trong đó có thể kể đến dự án đê biển Gò Công – Vũng Tàu.
° Đặc biệt, theo ý kiến cá nhân tôi, dự án đê biển Gò Công – Vũng Tàu cần phải được xem xét, nghiên cứu thấu đáo, phân tích từ tổng thể cho đến tất cả các khía cạnh có liên quan đến dự án này, cần phải cân nhắc lợi, hại khi thực hiện dự án. Theo tôi, bên cạnh dự án này, đối với khu vực Cần Giờ, chúng ta nên có một nghiên cứu độc lập và dài hạn nhằm tính toán chính xác, đầy đủ những tác động của dự án đê biển Gò Công – Vũng Tàu ảnh hưởng đến Cần Giờ, bởi nếu không cẩn thận, khu vực này có khả năng sẽ bị thoái hóa do biến đổi hệ sinh thái vốn có.
° Theo ông, đâu là giải pháp cho công tác bảo tồn Cần Giờ nói riêng và các vùng đất ngập nước ở nước ta nói chung?
° Công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một vấn đề không chỉ riêng của Cần Giờ, mà là của cả nước, thậm chí đối với thế giới nó là một bài toán nan giải. Để phát triển kinh tế và giải quyết sức ép dân số, chúng ta cần mở rộng diện tích thổ cư, đồng thời đẩy mạnh đô thị hóa. Mặt khác, chúng ta cũng cần bảo toàn diện tích đất ngập nước vì vấn đề môi trường, vì những lợi ích vùng đất này mang lại. Đó là sự lựa chọn đầy mâu thuẫn có tính chất đối đầu giữa sự phát triển kinh tế và bảo tồn sinh thái bền vững.
Để làm được điều này cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban ngành trong công tác quản lý, quy hoạch, phát triển các vùng đất ngập nước, nhằm thực hiện các vấn đề sau: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tổng thể về vấn đề có liên quan được tích lũy theo thời gian; trang bị công cụ hiệu quả để quan sát và đưa ra các dự báo như bản đồ, biểu đồ..; thành lập một cơ quan đầu tàu làm cầu nối và xây dựng một chiến lược phát triển vùng thấp.
Riêng đối với Cần Giờ, bên cạnh bảo tồn rừng bằng phương thức khoán, theo tôi chúng ta nên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển trong mức hợp lý du lịch sinh thái và có kế hoạch cẩn thận, giúp nâng cao đời sống người dân, đồng thời cũng tạo được mối quan tâm của cộng đồng xã hội đối với các vùng đất ngập nước.
TPHCM cũng nên xây dựng dự án khôi phục những vùng thấp như Củ Chi, Bình Chánh… Bài học ngập nước ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã cho chúng ta thấy nên cần xem lại vai trò của các vùng này. Đất ngập nước trên góc độ phát triển bền vững thật sự đóng một vai trò không thể thay thế được, nó trở thành một “đối trọng” tạo sự cân bằng đối với đô thị hóa.
HIẾU THƯỢNG
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có tổng diện tích đất ngập nước khoảng hơn 10 triệu ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm khoảng 4,1 triệu ha. Tuy nhiên, diện tích đất ngập nước tự nhiên đang ngày càng giảm dần, thay vào đó là diện tích đất ngập nước nhân tạo tăng lên. Các khu du lịch, đầm lầy nuôi trồng thủy sản, trồng rừng nhân tạo đang thay thế dần cho các khu vực đất ngập nước tự nhiên. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, từ năm 1995 cho đến nay, diện tích rừng ngập mặn đã giảm gần 184 ngàn ha. World Wetlands Day và Công ước Ramsar Đất ngập nước có một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống con người, những vùng này cung cấp gần 2/3 sản lượng cá cho thế giới, cung cấp lúa gạo nuôi sống gần 3 tỷ người, đồng thời có vai trò như bể hấp thụ và bể chứa cacbon, điều hòa dòng chảy, kiểm soát lũ lụt, chống xói lở, dự trữ năng lượng, duy trì nguồn gien, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong sự sống còn của các loài chim. Tính đến tháng 12-2006, Công ước Ramsar có 153 thành viên. Việt Nam là quốc gia thứ 50 tham gia Công ước này vào năm 1989.
Chủ đề của Ngày đất ngập nước thế giới năm 2012 được chọn là “Vùng đất ngập nước và Du lịch” (Wetlands and Tourism) với thông điệp: “Du lịch đất ngập nước: Một sự trải nghiệm tuyệt vời” tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường cũng đã có công văn chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước thế giới năm 2012 trong cả nước.
Nhằm bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và thúc đẩy việc sử dụng hợp lý các vùng này, một công ước quốc tế về bảo tồn đã được ký vào ngày 2-2-1971 tại bờ biển Caspian thuộc thành phố Ramsar, Iran và từ đó ngày 2-2 hàng năm được lấy làm ngày Đất ngập nước thế giới (World Wetlands Day) với mục đích nâng cao nhận thức về các giá trị, lợi ích của đất ngập nước và nhắc nhở thế giới cũng như các thành viên tham gia Công ước Ramsar quan tâm hơn đến công tác bảo tồn sử dụng bền vững các vùng đất này.