GS-TS-NSND Quang Hải: Trăn trở với khí nhạc Việt Nam

GS-TS-NSND Quang Hải: Trăn trở với khí nhạc Việt Nam

GS-TS-NSND Quang Hải, người có công lao rất lớn trong công cuộc xây dựng nền tảng âm nhạc chuyên nghiệp của cả nước đã ra đi mãi mãi. Anh ra đi là nỗi mất mát lớn đối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… trong đó có tôi - người bạn thân từ thuở thiếu nhi với anh.

GS-TS-NSND Quang Hải (bìa phải) trong Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp Cao học tại Nhạc viện TPHCM.

GS-TS-NSND Quang Hải (bìa phải) trong Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp Cao học tại Nhạc viện TPHCM.

Tôi đồng hương Tiền Giang với Quang Hải. Anh tên thật là Huỳnh Tấn Sĩ. Năm 1949, tôi nhập ngũ và được phân công về Tổ quân nhạc khu 8, sau này là Đoàn văn công mặt trận Đồng Tháp Mười. Lúc này, tôi và anh quen nhau, rồi thân nhau. Bởi vì trong một đơn vị, chúng tôi là trẻ nhỏ với nhau, tôi là bé Nam, anh là Bé Năm, Hoàng Khanh là bé Nữ (sau này là vợ anh)…

Quang Hải được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ. Vào Tổ quân nhạc khu 8, tôi và Quang Hải đã trở thành tổ viên dưới sự dìu dắt của tổ trưởng là nhạc sĩ Huê Nhu (tác giả Vệ quốc đoàn tiến lên) và tổ phó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (tác giả Tiểu đoàn 307). Ngày ấy, chúng tôi như những người “lính nhí” được thế hệ đàn anh dìu dắt. Chúng tôi tham gia phục vụ quân đội trên khắp các chiến trường Đồng Tháp Mười. Chỉ với những nhạc cụ thô sơ, chúng tôi nỗ lực phục vụ.

Những năm tháng ấy, nhiều sự kiện quan trọng trong những tháng ngày khói lửa chiến tranh vẫn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Nhiều sự kiện trong cuộc đời, tôi luôn gắn bó với Quang Hải. Khoảng năm 1950, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được Pháp phóng thích sau khi quân ta thả đại tá bác sĩ quân y Duris thì hôm đó có tôi và Quang Hải, với đàn anh là nhạc sĩ Hoàng Việt, cùng một số anh em nhạc công ở Tổ quân nhạc khu 8 xúc động, vui mừng, đánh nhạc chào đón bác sĩ được trả tự do về với đồng đội tại chợ Thiên Hộ - Chiến khu Đồng Tháp Mười.

Năm 1954, tôi và Quang Hải tập kết ra Bắc. Dù đứng trong hàng ngũ quân đội, nhưng chúng tôi vẫn đeo đuổi sự nghiệp âm nhạc, cùng chung niềm đam mê âm nhạc. Quang Hải được cử đi học chuyên ngành chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch tại Nhạc viện Léningrad. Tôi luôn bị bệnh tật hành hạ, phần do thể trạng yếu ớt, phần do những ngày tháng tham gia kháng chiến, sống trong thiếu thốn, khó khăn ở các trận địa. Cuối cùng, tôi giải ngũ theo diện thương bệnh binh hạng nặng và thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Học ở trường 4 năm, năm 1966, tôi được cử sang Nga học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại nhạc viện cùng với Quang Hải. Tại đây, tôi rất vui được gặp anh, anh đã đưa tôi về sống cùng, giúp đỡ tôi rất nhiều.

Anh là người rất thông minh, nhanh nhẹn. Anh là nhạc trưởng Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay được làm việc và biểu diễn với Dàn nhạc Nghệ sĩ Công huân Léningrad, một trong những dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Sau 11 năm miệt mài đèn sách, Quang Hải đã tốt nghiệp đại học và nghiên cứu sinh hai chuyên ngành: Chỉ huy giao hưởng - nhạc kịch và lý luận phê bình âm nhạc. Về nước, anh tham gia nhiều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Quang Hải là một trong số rất ít người từng giữ chức vụ giám đốc của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT trong suốt 30 năm: Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam (1970 - 1975), Giám đốc Nhạc viện TPHCM (1975 - 1997).  

Tôi luôn nhất trí và cùng quan điểm với Quang Hải, người luôn đau đáu tìm cách phát triển dòng nhạc không lời của Việt Nam: “Khí nhạc Việt Nam đã có một lịch sử hàng ngàn năm, đã trải qua một quá trình cải tiến và hoàn thiện của nhiều thế hệ. Nhờ vậy, nó có khả năng biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng… Nó là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Trách nhiệm của các nhạc sĩ, các nhà khoa học trong lĩnh âm nhạc là phải chứng minh cho được điều này. Cách làm tốt nhất là cho nhạc khí dân tộc ta đối thoại với dàn nhạc tiên tiến của thế giới…”.

Bao ưu tư, trăn trở với nghề còn vấn vương với với trái tim, tâm hồn nghệ sĩ của anh như thế, vậy mà…

Tôi nghe tin như muốn sụp đổ. GS-TS-NSND Quang Hải, đồng hương, đồng đội, đồng nghiệp, người bạn thân thiết đã gắn bó với tôi hơn nửa thế kỷ ra đi mãi mãi. Anh về cõi vĩnh hằng, giới âm nhạc chuyên nghiệp, bao thế hệ học trò nuối tiếc và yêu thương vô hạn.

GS-TS-NS NGUYỄN VĂN NAM

Tin cùng chuyên mục