Nói tới ông, người ta kính trọng ông không phải vì ông đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, mà bởi ông là một “pho tự điển sống”. Kiến thức uyên bác, tư duy sắc sảo, độc đáo cùng một bản lĩnh dám nói, dám làm, GS Tô Ngọc Thanh lừng lững là cây đại thụ về văn hóa, âm nhạc dân tộc, văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam.
Ai đã một lần được tiếp xúc, trò chuyện với ông đều có chung cảm giác được vỡ ra nhiều điều. Tuần trước, được ông tiếp tại căn phòng giản dị, ấm cúng ở ngõ 109, phố Trường Chinh, Hà Nội, tôi khoe vừa đi tìm hiểu về nguồn gốc nơi hai Bà Trưng khởi nghĩa, và tìm được vị trí nơi hai bà tuẫn tiết, xưa nay sách báo vẫn nói là dòng Hát Giang thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội).
Ông gật gù: Đúng đấy và bổ sung thêm: tên sông Hát Giang thì chữ Hát hoàn toàn vô nghĩa. Hát tức là tiếng Thác của người Mường. Người Mường ngày xưa sinh sống ở khu vực này. Cửa sông Hát Giang tức là Thác thời cổ xưa. Chắc chắn nơi này ngày xưa là vị trí của một cái thác đổ xuống, nên nó sâu, rộng, mênh mông là phù hợp với truyền thuyết lưu lại.
Ở tuổi gần 80 nhưng phong thái vẫn hoạt bát, lại vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, giáo sư Tô Ngọc Thanh - người con trai đầu của danh họa Tô Ngọc Vân, vẫn hàng ngày xử lý ngồn ngộn núi công việc, rồi còn hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành... Vì thế, gặp được ông chẳng dễ gì.
- Đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân mình
Cuộc đời mỗi con người là những số phận khác nhau, nhưng nếu không có ý chí, nghị lực, không có những đam mê đúng đắn con người ta dễ buông xuôi và trở nên bình thường, thậm chí tầm thường... Theo gia đình đi kháng chiến từ lúc 11 tuổi, năm 1959 tốt nghiệp lớp sáng tác khóa 1 Trường Âm nhạc Việt Nam, Tô Ngọc Thanh được phân công về Ban nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa và đi sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc ở Tây Bắc.
Chàng trai Tô Ngọc Thanh không những miệt mài nghiên cứu mà còn tìm được một nửa của mình tại Đoàn Văn công Tây Bắc. Đầu năm 1972, ông Hà Huy Giáp - khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, trong một chuyến lên Tây Bắc làm việc đã rút Tô Ngọc Thanh về Viện Nghệ thuật, rồi gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Ông bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sĩ năm 1978, tiến sĩ năm 1988 chuyên ngành về âm nhạc dân tộc học.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm của nhà nghiên cứu người Hungary Bela Bactoc, viết trong một cuốn sách: “người nghiên cứu âm nhạc dân gian phải có kiến thức đa ngành, ít nhất là các ngành khoa học xã hội như sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, văn học, nghệ thuật múa, nghệ thuật tạo hình, các kiến thức về môi trường, về sản xuất…”, Tô Ngọc Thanh đã tự trang bị cho mình trong quá trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân gian...
Hai quãng thời gian dài 1960 - 1974 và 1978 - 1984, dấu chân ông đã lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản của xứ sở Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên để có những công trình nghiên cứu xuất sắc đã công bố trong và ngoài nước.
- Cần có chiến lược bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc
Không chỉ nghiên cứu, phát hiện, phát huy vốn văn hóa dân gian, giáo sư Tô Ngọc Thanh còn là người dũng cảm đấu tranh bảo vệ sự nguyên vẹn, những giá trị bản sắc rất riêng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, ở nhiều diễn đàn. Ông tỏ ra rất buồn khi hiện nay, không ít người quản lý và làm văn hóa nhưng lại rất thiếu kiến thức về văn hóa; đặc biệt là văn hóa dân gian. Ông không đồng tình với quan điểm sân khấu hóa một số hình thức nghệ thuật dân tộc như chèo mới, quan họ, ca trù...
Vị giáo sư đáng kính chợt giọng trầm hẳn xuống: “Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa bằng cách dùng các phương tiện nghe nhìn hiện đại sưu tầm và bảo vệ trong những ngân hàng dữ liệu. Đó là một việc làm cần thiết. Nhưng còn có cách khác nữa, theo đó, chúng ta bảo tồn di sản trong thể sống động của nó. Muốn thế, chúng ta hãy khôi phục và trả lại cho dân những giá trị văn hóa mà xưa kia họ đã sáng tạo, họ đã là tác giả, để chính người dân lựa chọn đưa chúng trở thành một thành tố của cuộc sống hôm nay. Nếu môi trường sinh ra văn hóa cồng chiêng, quan họ... mất đi thì cồng chiêng chỉ còn là cái xác, chỉ còn giá trị nghệ thuật riêng rẽ. Cũng như quan họ làng không còn tình cảm liền anh liền chị thì chỉ còn là những tiết mục”.
° Phóng viên: Thưa giáo sư, hiện nay chúng ta có khá nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận?
° GS-TSKH TÔ NGỌC THANH: Đúng thế, cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Thí dụ ở lĩnh vực phi vật thể có nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không gian văn hóa quan họ, ca trù... Được UNESCO công nhận đã là khó, nhưng bảo tồn và phát huy được nó lại càng khó hơn. Nếu chúng ta không có một chiến lược quyết liệt, chặt chẽ và cụ thể về vấn đề này, tôi e rằng chúng ta sẽ sớm hối tiếc. Văn hóa dân gian các dân tộc của Việt Nam phong phú lắm, giàu có lắm, chỉ có điều chúng ta chưa biết khai thác mà thôi. Bản sắc văn hóa chính là ở đấy.
° Thưa giáo sư, trong thời đại hội nhập hôm nay, theo giáo sư đâu là những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt, tâm hồn Việt?
° Hội nhập không chỉ là đem văn hóa của thế giới về, mà ta còn phải đem tinh hoa văn hóa dân tộc ta hòa vào dòng chảy của thế giới. Tôi cho rằng độ lượng, khoan dung là phẩm chất cao cả của người Việt. Điều đó chứng minh tại sao Việt Nam không hề có chiến tranh sắc tộc trong suốt chiều dài lịch sử, dù nước ta là một quốc gia nhiều thành phần tộc người. Đó là chiều sâu nhân cách văn hóa dân tộc Việt Nam, một nét nhân cách văn hóa không phải dân tộc nào cũng có. Vậy phải chăng “khoan dung” là một trong những giá trị nhân văn của văn hóa Việt Nam xứng đáng đem hội nhập để làm giàu cho văn hóa nhân loại.
Bên cạnh những di sản đã được thế giới công nhận, chúng ta còn cả một kho báu vô tận đó là các công trình kiến trúc, nghệ thuật, đình, chùa, đền, miếu; các điệu dân ca của các vùng, miền; lối sống, cách ứng xử văn hóa các vùng... Thật đáng buồn là ngày nay kho báu ấy cứ mỗi ngày mai một dần. Ngay việc trùng tu, tu bổ lại các di tích hiện nay cũng là vấn đề cần được nghiên cứu và xem xét thật kỹ lưỡng. Bởi, nếu hôm nay là thứ không thật thì mai sau các thế hệ lại căn cứ vào những thứ không thật hôm nay để mà quy chiếu thì là thảm họa.
GS-TS Tô Ngọc Thanh tạm dừng câu chuyện, nhưng mắt ông hình như vẫn đau đáu sự đam mê và nỗi buồn vừa thoảng qua
CAO MINH