Cô HUỲNH THỊ NGỌC LỆ, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến: Những bài giảng thực tế
Trải nghiệm cùng những giờ học môn Công nghệ với cô Huỳnh Thị Ngọc Lệ, nhiều thế hệ học trò ở Trường THPT Nguyễn Khuyến đã tìm thấy niềm vui, sự thích thú khi tiếp nhận, khám phá những kiến thức bổ ích, thiết thực từ bài giảng. Có nhiều học sinh khi hiểu rõ vấn đề, biết thêm nhiều kiến thức mới từ môn học tưởng chừng như khô khan này đã thay đổi quan niệm xem đó là môn phụ.
Bộc bạch về điều này, cô Ngọc Lệ chia sẻ: “Để xóa bỏ tâm lý không thích học môn phụ hoặc học đối phó, tôi luôn cố gắng đưa những nội dung, kiến thức gần gũi vào bài giảng, giảm bớt tính lý thuyết của sách giáo khoa. Đối với học sinh thành phố, việc giảng dạy nhiều chủ đề liên quan đến nông nghiệp, kỹ thuật nuôi trồng… dễ khiến các em nhàm chán. Vì thế, ngoài sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh minh họa sinh động, sản phẩm thực, tôi còn hướng dẫn học theo nhóm, hội thảo để các em sáng tạo, phát huy năng lực cá nhân...”.
Xuất thân từ giáo viên kỹ thuật (tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật) nên cô Ngọc Lệ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn dành trọn tâm huyết cho môn Công nghệ. Để khai sáng tri thức, mở rộng các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sinh học vào đời sống, cô luôn cập nhật, làm mới kiến thức. Nhờ chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển tải những điều học sinh muốn biết, cần biết và thích làm, các tiết học của cô luôn hấp dẫn học sinh.
Nhắc đến cô giáo dạy môn Công nghệ, học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Khuyến không thể quên những tiết thực hành, tạo ra sản phẩm thú vị như: làm sữa chua, tìm hiểu sức sống của hạt, cách chăm sóc cây cảnh… Ấn tượng khó quên và khắc ghi trong tâm trí thời áo trắng của nhiều học trò chính là những chuyến đi ngoại khóa tìm hiểu rừng nguyên sinh, hệ sinh thái phong phú của rừng Nam Cát Tiên, cách làm muối, tham quan xí nghiệp dâu tơ tằm… Không những thế, học sinh cũng thích thú với chủ đề giáo dục tài chính, ý thức về kinh doanh, tiết kiệm. Những bài giảng có nội dung thiết thực, mở mang kiến thức sâu rộng đã trang bị tri thức cần thiết để các em vận dụng linh hoạt vào đời sống. Không những thế, việc kết hợp giữa học đi đôi với hành đã bổ sung thêm kỹ năng sống, thói quen tốt và biết cách ứng xử, đối phó với môi trường sống thời hiện đại của học sinh.
“Tuy những giờ ngoại khóa chưa nhiều và những ứng dụng công nghệ vào thực tiễn còn ít ỏi so với mong muốn của học sinh, nhưng nó đã gieo mầm sự thích thú đối với môn học vốn bị xem là môn phụ này” - cô Ngọc Lệ tâm sự về nghề và những trăn trở về những gì chưa thể làm hoàn hảo cho học trò. Và nhờ dạy học bằng cả tấm lòng, biết cách thổi hồn vào từng tiết học, khơi gợi trí tò mò, thích khám phá tri thức mới, cô Ngọc Lệ đã lôi cuốn học trò đến môn học này, trong đó có nhiều em đạt giải ở các kỳ thi học sinh giỏi.
Với tác phong sư phạm tốt, kinh nghiệm giảng dạy sáng tạo, gắn nội dung bài giảng với thực tiễn đời sống - ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sinh học, cô Ngọc Lệ đã vinh dự đón nhận danh hiệu giáo viên giỏi tại hội thao cấp trường, cấp cụm. Bên cạnh đó, cô còn đón nhận nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng của TPHCM, ngành GD-ĐT với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, công tác công đoàn. Với hành trình 31 năm “lái đò” đưa nhiều thế hệ học sinh đến con đường thành đạt, có nghề nghiệp vững vàng, cô cảm thấy tự hào vì mình đã chọn và dấn thân vì sự nghiệp trồng người. Và phần thưởng được xã hội ghi nhận, tôn vinh qua giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là dấu ấn, niềm vui lan tỏa dành cho cô Huỳnh Thị Ngọc Lệ.
KHÁNH BÌNH
*****
Cô CAM THỊ THOA, giáo viên Trường Mầm non Tân Thông Hội 2, huyện Củ Chi: Truyền lửa đam mê
Mùa hè năm 1997, nữ sinh viên vừa tốt nghiệp Trung học Sư phạm Mầm non thành phố Cam Thị Thoa cầm lá đơn xin việc đến Trường Mẫu giáo Bông Sen 2 (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi). Cô hiệu trưởng bằng con mắt nhà nghề đã nhận định ngay buổi đầu phỏng vấn rằng Thoa rất thích hợp để phụ trách lớp Lá, dù chỉ mới ra trường…
Trong khối mầm non, có thể nói đây là lớp khó nhất. Bậc mầm non phải vừa học vừa chơi. Ở hai lớp Mầm và Chồi chơi là chủ yếu, còn với lớp Lá, các cháu phải làm quen với việc học tập, chuẩn bị tâm thế cho việc vào lớp 1. Thông thường, các cô mẫu giáo phải trải qua vài năm kinh nghiệm mới được phân công phụ trách lớp Lá, vậy mà “lính mới” Cam Thị Thoa ngay ngày đầu vào nghề đã được giao cho công việc khó nhất. Thế nhưng những ai đã biết Thoa sẽ không lấy làm lạ vì Thoa đã “làm cô nuôi dạy trẻ” từ nhiều năm rồi - khi cô còn là một đứa trẻ đi mẫu giáo!
“Cha mẹ em đều làm nông, sống ở thị trấn Củ Chi. Gia đình kể rằng ngay ngày đầu tiên đi mẫu giáo về, em đã nằng nặc đòi mua bằng được cái trống lắc giống như cô giáo. Kể từ ngày đó, trò chơi yêu thích của em là “đóng vai” cô, còn các bạn trong xóm là học trò”, Thoa kể lại với một nụ cười lém lỉnh. Mơ ước làm cô nuôi dạy trẻ của Thoa càng có thêm sự thuận lợi với năng khiếu ca hát. Không chỉ học ở trường, Cam Thị Thoa còn nâng cao kỹ năng bằng 2 năm theo học lớp đàn organ tại Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi. Tùy theo chủ đề bài học, Thoa chọn những ca khúc phù hợp để minh họa. Vừa đàn vừa hát, cô đã thổi sinh khí vào giờ học, lôi cuốn những đứa trẻ đang ở tuổi ham chơi thích thú lắng nghe bài giảng sinh động đầy âm thanh rộn ràng của cô giáo.
Công sức của Thoa đã không uổng phí. Ngay năm đầu tiên đứng lớp, cô đã được học sinh và phụ huynh yêu quý. Thoa nhớ lại kỷ niệm vào một dịp hè, khi cô đi du lịch ở Đà Lạt đang trên đường về thì nhận được điện thoại của phụ huynh em Quý, nói rằng từ hôm bắt đầu nghỉ hè, Quý không chịu ăn, ngủ chỉ vì nhớ cô Thoa! Tối hôm ấy ngay khi cô vừa về, Quý đã được gia đình chở đến nhà cô (cách 9km) để ngủ lại 1 đêm. Giờ đây, Quý là một học sinh giỏi lớp 9 của Trường THCS Tân Phú Trung và cậu xác định sẽ thi vào ngành sư phạm. Tình cảm và ấn tượng sâu sắc về nghề giáo mà cô Thoa tạo ra nơi Quý đã trở thành mục tiêu phấn đấu của cậu học sinh nơi đất thép thành đồng.
17 năm tuổi nghề, cô Cam Thị Thoa đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, được nhận nhiều danh hiệu thi đua, trong đó có 4 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp thành phố. Nhưng có lẽ thành tích đáng quý nhất của cô là đã truyền được ngọn lửa đam mê nghề giáo mà cô đã có từ thưở còn thơ cho thế hệ tương lai.
PHONG LAN
*****
Cô TRẦN THỊ BẠCH ĐÀO, giáo viên Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn: Hạnh phúc vì học trò thành đạt
“Mới đó đã 14 năm rồi, từ một trung tâm ọp ẹp, chỉ có 2 lớp học nhưng hiện nay trường đã thay da đổi thịt với quy mô rộng lớn, gần 3.000 học sinh theo học. Từ chỗ chỉ có 7 giáo viên, đến nay trường đã có gần 300 cán bộ giảng viên…”, cô Trần Thị Bạch Đào bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày đầu về Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn.
Sau khi vượt qua cuộc sát hạch của Sở GD-ĐT TPHCM, ngày đầu tiên cô Bạch Đào đến nhận nhiệm sở với vẻ thất vọng đến không ngờ vì trường khi ấy chỉ là một trung tâm dạy nghề lụp xụp ở quận 8. Cả trường chỉ có 2 lớp công nghệ thông tin và công nghệ may. Mãi đến năm 2000 trường mới phát triển được nhờ UBND TPHCM đầu tư cho cơ sở mới. Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cô Đào bùi ngùi: “Thật sự lúc đó mình cũng nản chí lắm. Nhiều cơ hội để mình ra đi nhưng chẳng hiểu sao mình đã ở lại trường cho đến hôm nay. Có thể đó là cái nghiệp đã níu giữ mình cũng như các đồng nghiệp khác để cùng vượt qua những khó khăn, bám trụ cho đến ngày nay”.
Phụ trách giảng dạy môn tiếng Anh suốt 14 năm qua, cô Đào có nhiều trăn trở: “Cái gì mình bắt đầu cũng đầy thử thách. Dạy học sinh hệ 9+3 vừa học nghề, vừa học văn hóa nên ý thức tự học của các em đã thấp và học tiếng Anh lại còn thấp hơn. Đây là tâm lý chung của học sinh hệ trung cấp khi cho rằng tiếng Anh không cần, không sử dụng trong công việc nên không thích học. Bởi vậy, khi thấy học sinh quá yếu ngoại ngữ, mình tự mở lớp phụ đạo tiếng Anh nhưng chỉ có 2 học sinh theo học. Thế nhưng mình cũng bị mang tiếng vì nhiều người nghĩ mình dạy để thu tiền”. Thế rồi từ 2 lớp học ban đầu, đến nay trường đã có đến 116 lớp học với gần 3.000 học sinh phải học tiếng Anh để đạt chuẩn đầu ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng.
Cô kiên trì nhẫn nại và tận tụy với nghề, học sinh học tập với tinh thần tự giác cao đã giúp kết quả học tập môn tiếng Anh toàn trường luôn đạt hiệu quả cao. Cụ thể, học sinh ở bộ môn tiếng Anh của trường khá, giỏi và xuất sắc trên 88%. Cùng với niềm vui chung ấy, cá nhân cô cũng không ngừng phấn đấu và đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào như: giải thưởng giáo viên dạy giỏi toàn quốc và thành phố; nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp thành phố và cấp trường.
Cùng với những thành công ấy, điều làm cô hạnh phúc, tự hào nhất chính là bao thế hệ học sinh của trường hiện đã có việc làm ổn định, thăng tiến và thành công trong cuộc sống. Bản thân cô cũng được tập thể sư phạm nhà trường tín nhiệm với năng lực sư phạm tốt, chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề nghiệp và luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ dù ở bất kỳ vị trí nào.
THANH HÙNG