Ở thời điểm đất nước vừa thống nhất, trung bình mỗi năm TPHCM xảy ra khoảng 15.000 vụ phạm pháp hình sự, đến nay giảm còn 6.000 - 6.500 vụ/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, phạm pháp hình sự ở thành phố tiếp tục giảm 102 vụ so với cùng kỳ, hàng chục điểm nóng, địa bàn phức tạp về ma túy, mại dâm được chuyển hóa, xóa sổ thành công. Trong nhiều giải pháp phòng chống tội phạm mang đến kết quả trên của Công an TPHCM, mô hình “Tự phòng - tự quản”, “Cảnh sát gần dân” đóng vai trò chủ đạo.
“Tự phòng - tự quản” tấn công tội phạm
Sáng 10-8, hành khách trên xe khách Bình Tâm (tuyến Quảng Ngãi - TPHCM) đặt chân xuống Bến xe miền Đông, một thanh niên chừng 26 tuổi trà trộn, đóng giả tài xế xe ôm để lừa chở em Huỳnh Thị Linh (quê huyện Tư Nghĩa) về trường xét tuyển. Trong lúc đối tượng này đưa Linh ra một góc vắng trong khuôn viên bến xe, chuẩn bị lấy kim tiêm uy hiếp nạn nhân đưa tiền thì bị các thành viên trong “Tổ xe ôm tự quản” của bến xe phát hiện, bắt giữ trước khi đối tượng ra tay. Đó là một trong số hàng trăm vụ việc lừa đảo, trộm cắp, cướp giật tại Bến xe miền Đông được “Tổ xe ôm tự quản” can thiệp, trấn áp kịp thời trong thời gian qua. Ông Đỗ Lâm, một thành viên “Tổ xe ôm tự quản” cho biết, tổ được Công an phường 25 quận Bình Thạnh thành lập từ năm 2012, đến nay hoạt động rất hiệu quả. “Nhờ được công an huấn luyện cách chú ý, theo dõi, vài thế võ khống chế nên tụi tui nhạy lắm, nhìn là biết đối tượng có dấu hiệu vi phạm và đến trấn áp ngay. Nhờ vậy mà trộm cắp, cướp giật ở Bến xe miền Đông giờ gần như không còn. So với 5 năm về trước, tội phạm ở đây giảm đến 90%”, ông Lâm nói.
Những điển hình được vinh danh “Gương sáng phố phường” năm 2015. Ảnh: TUẤN VŨ
Nếu như ở khu vực Bến xe miền Đông, tội phạm trộm cắp, cướp giật giảm mạnh nhờ mô hình “Tổ xe ôm tự quản” thì ở xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, mô hình “Dân phòng tự phòng” của công an xã này đã xóa sổ được nhiều điểm nóng, mua bán hút chích ma túy. Điểm nổi bật của tổ là các thành viên phải thuộc nằm lòng các hẻm ngách, biết tên hết tất cả các hộ dân ở khu mình phụ trách và phải “khéo dân vận” để người dân cùng theo dõi, tố giác, trấn áp tội phạm. Bà Lâm Tố Nga, ngụ gần cầu ông Lớn (xã Bình Hưng), khen ngợi: “Nhờ có mô hình “Dân phòng tự phòng” mà người dân ở đây yên tâm lắm. Trước đây, ra đường hớ hênh là bị con nghiện kề kim trấn lột, trong nhà thiếu cảnh giác là mất trộm ngay, giờ thì yên bình lắm rồi”.
Theo Công an TPHCM, hiện nay lực lượng công an ở thành phố đã xây dựng, duy trì hoạt động hơn 122 mô hình quần chúng tự quản, tự phòng về an ninh trật tự với 64 tên gọi khác nhau, nội dung và hình thức hoạt động đa dạng, phong phú. Trung tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TPHCM, đánh giá các mô hình này hoạt động rất có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Công an TP đã và đang phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức nghiên cứu, phổ biến, nhân rộng các mô hình “tự quản - tự phòng” mang lại hiệu quả cao này.
Giữ phố phường bình yên
Giáp ranh các quận khác, phường 14 quận 6 nổi tiếng là khu vực phức tạp, đặc biệt trên địa bàn phường có chợ Tân Hòa Đông - địa điểm tập trung nhiều đối tượng trộm cắp, mại dâm, mua bán trái phép chất ma túy. “Phải giảm bằng được tội phạm, giữ cho khu phố bình yên”, thượng úy Lê Thị Thu Tâm xác định như vậy khi được phân công làm cảnh sát khu vực tại phường. Là nữ nhưng chị vẫn tổ chức, tham gia tuần tra địa bàn vào ban đêm để nắm vững khu vực hoạt động của các đối tượng phạm tội, từ đó công tác quản lý đối tượng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Không chỉ thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, kịp thời hỗ trợ người dân về thủ tục hành chính, chị Tâm còn quan tâm, giới thiệu việc làm để những người hoàn lương trở về địa phương có cuộc sống ổn định, tránh sa vào con đường phạm tội cũ. Dần dần, người dân trong khu vực ngày càng tin yêu, xem chị Tâm như con cháu trong nhà, có gì khác thường trong nhà ngoài ngõ cũng đều thông tin để chị kiểm tra, xử lý. Hình ảnh người nữ thượng úy cảnh sát khu vực năng nổ, kiên quyết với tội phạm và gần gũi với người dân đã góp phần tạo nên bức tranh đẹp về lực lượng công an nhân dân.
Cách đây hơn 4 năm, phường Hiệp Thành quận 12 là nơi các băng nhóm tội phạm gây rối trật tự công cộng, chọn làm địa điểm hoạt động. Với bản lĩnh nghề nghiệp, thiếu tá Nguyễn Đức Dư (Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận 12) được phân công cùng đồng đội phối hợp Công an phường Hiệp Thành giải quyết tình hình tội phạm trên địa bàn phường. Bằng nghiệp vụ trinh sát, thiếu tá Dư và đồng đội khoanh vùng một số đối tượng cộm cán, liều lĩnh để đấu tranh, xử lý, qua đó răn đe những đối tượng khác. Chỉ một thời gian ngắn, lần lượt các băng nhóm tội phạm nổi cộm trên địa bàn phường Hiệp Thành bị bắt giữ, tình hình trộm cắp gần như không còn. Đó chỉ là một trong những chiến công của thiếu tá Dư cùng đồng đội trong công tác trấn áp tội phạm hình sự. Tính riêng từ năm 2010 đến nay, anh đã điều tra được 14 vụ trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, 1 vụ tổ chức môi giới mại dâm và trực tiếp khám phá, truy bắt được 11 đối tượng phạm pháp hình sự. Những con số ấy vẫn chưa thể nói hết những vất vả, gian nan của thiếu tá Nguyễn Đức Dư cùng đồng đội đang ngày đêm góp phần bảo vệ sự bình yên của thành phố.
ÁI CHÂN - TUẤN VŨ