Mấy ngày qua, dư luận tại Khánh Hòa rất quan tâm đến việc một giám đốc doanh nghiệp nhà nước tham ô hàng tỷ đồng, nhưng có chiều hướng được “xử nhẹ tội” khi ông này khắc phục bằng việc nộp lại tiền đã tham ô.
Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa vừa hoàn tất kết luận thanh tra liên quan đến những sai phạm tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa). Theo kết luận, với chức năng nhiệm vụ là quản lý, vận hành, duy tu các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhưng công ty đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ lãnh đạo đến các đơn vị chuyên trách. Cụ thể, mùa khô 2014 và 2015, trên địa bàn Khánh Hòa xảy ra hạn hán nặng, nên việc nạo vét hồ chứa để đưa nước tưới đến ruộng đồng là hết sức cấp bách. Lợi dụng tình thế này, công ty đã lập đề án xây dựng 24 công trình nạo vét và bơm tưới; duy tu bảo dưỡng 49 công trình thủy lợi, hồ chứa với tổng kinh phí gần 8,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chỉ duy nhất công trình có vốn đầu tư hơn 180 triệu đồng được thi công. Như vậy, chủ đích của các công trình mà Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa lập ra chỉ để nhằm mục đích “rút ruột” ngân sách.
Để hợp thức hóa các công trình… trên giấy này, đích thân ông Đỗ Hồng Hải, Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, đã đóng vai trò “đạo diễn” chính khi chỉ đạo cấp dưới làm giả, làm khống hàng loạt hồ sơ. Vì thế, các công trình này đã được giải ngân một cách êm đẹp. Trong các hành vi làm giả giấy tờ, có cả việc ông Đoàn Phi Dũng, Phó giám đốc công ty, tự tay photocopy một số hồ sơ cũ, sau đó tẩy xóa, lắp ghép để hoàn thiện khống 23 hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình. Nói như ông Nguyễn Bé, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa: Trong 23 hồ sơ mà Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa làm giả, rất khó phát hiện bởi được làm rất tinh vi, chỉ có người trong cuộc biết nhưng không ai chịu nói ra. Phải đến lần thanh tra thứ 3 và các thanh tra viên kịch liệt đấu tranh, các sai phạm này mới được đưa ra ánh sáng. Như vậy, không chỉ có sai phạm nghiêm trọng, mà ngay cả khi bị thanh tra, lãnh đạo và các nhân viên Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa vẫn cố tình chối tội, không thành khẩn.
Theo kết luận, sau khi các công trình nói trên được quyết toán, cá nhân ông Hải đã bỏ túi hơn 6,3 tỷ đồng. Mới đây, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã tổ chức cuộc họp xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Hải và những cá nhân liên quan. Tại cuộc họp này, ông Thiên đã đồng ý hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Đỗ Hồng Hải; kỷ luật cảnh cáo ông Đoàn Phi Dũng. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi vì sao hành vi tham ô của ông Hải đã quá rõ, nhưng không bị xử lý hình sự để răn đe, làm gương? Trả lời thắc mắc này với tư cách là người tham mưu chính về hình thức xử lý đối với ông Đỗ Hồng Hải, ông Nguyễn Bé giải thích: “Trong cuộc họp xử lý kỷ luật đối với ông Hải, có đến 9 cơ quan chuyên trách của tỉnh tham gia, tuy nhiên không có ý kiến nào đề nghị xử lý hình sự vụ này. Hơn nữa, ông Hải đã khắc phục hậu quả bằng việc nộp lại 6,3 tỷ đồng tiền tham ô”. Nói như vậy, hành vi tham ô hàng tỷ đồng của ông Hải chỉ qua việc nộp lại tiền là “thoát” án hình sự, sau đó “hạ cánh an toàn”, dù hành vi tham ô đã quá rõ.
Phải chăng, trong việc này có sự bao che và tránh liên đới trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân?
Khánh Ngân