(SGGP) - Từ năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT Hà Nội áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử, thay cho sổ điểm truyền thống ở tất cả các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố.
Theo đó, giáo viên bộ môn trực tiếp nhập điểm vào sổ điểm điện tử theo định kỳ. Điểm số được cập nhật vào sổ điểm này phải thống nhất với điểm trong sổ ghi điểm giấy cá nhân của giáo viên. Kết quả kiểm tra lấy làm căn cứ xếp loại việc thực hiện tiến độ kiểm tra, đánh giá học sinh mỗi tháng/học kỳ. Việc điều chỉnh các sai sót trong quá trình nhập thông tin, điểm số trên phần mềm theo đề nghị của giáo viên phải được sự đồng ý của hiệu trưởng, có lưu vết trên hệ thống.
Khi sửa chữa dữ liệu phải có sự chứng kiến của đại diện ban giám hiệu, ban quản trị và người đề nghị chỉnh sửa số liệu và được ghi nhận đầy đủ các điều chỉnh trong hồ sơ lưu trữ. Trách nhiệm quản lý sổ điểm điện tử là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Hiệu trưởng có trách nhiệm xét duyệt học sinh được lên lớp, không được lên lớp, danh hiệu thi đua, danh sách học sinh phải kiểm tra lại các môn học, rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè...
PHAN THẢO
Giáo dục đạo đức liêm chính cho HS-SV
(SGGP). - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đề nghị các địa phương và cơ sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở GD-ĐT.
Cụ thể, đối với cấp trung học phổ thông, Bộ GD-ĐT yêu cầu việc lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào giảng dạy cần đặt trọng tâm vào việc giáo dục đạo đức liêm chính, kết hợp giảng dạy pháp luật về PCTN với thời lượng phù hợp. Bộ khuyến khích giáo viên các môn khoa học xã hội lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức liêm chính và pháp luật về PCTN vào giáo án và sử dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, hiệu quả.
Đối với các trường đại học, các chương trình đào tạo chuyên về luật phải bảo đảm nội dung PCTN được tích hợp, lồng ghép với thời lượng 15 tiết; các chương trình đào tạo không chuyên về luật thời lượng 5 tiết.
LÂM NGUYÊN