Hạ tầng đánh đố dân

Thời gian qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM được nâng cao do bị ngập nước, khiến không ít căn nhà bỗng dưng trở thành hầm khi phần lớn nhà lọt thỏm xuống sâu so với mặt đường.

Thời gian qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM được nâng cao do bị ngập nước, khiến không ít căn nhà bỗng dưng trở thành hầm khi phần lớn nhà lọt thỏm xuống sâu so với mặt đường.

Đơn cử, hàng trăm hộ dân hai bên đường Dương Tử Giang (phường 14, quận 5) sau khi thi công hệ thống thoát nước cũng là lúc tuyến đường này nâng cao lên từ 60cm - 80cm, khiến nhiều căn hộ tầng trệt dãy phố biến thành… tầng hầm. Tại nhiều tuyến hẻm ở đường Nguyễn Văn Luông, Phạm Phú Thứ, Phạm Văn Chí, khu phố chợ Bình Tiên (quận 6), do chống ngập, đường được nâng lên 0,5m - 1m so với mặt hẻm hiện hữu, khiến hàng trăm tầng trệt nhà dân trở thành tầng hầm, bị nước thải tràn vào nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung. Tương tự, nhiều hộ dân ở hẻm 27 Âu Dương Lân (thuộc phường 3, quận 8), khu Văn Thánh (quận Bình Thạnh), đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)… đường nâng cấp cao hơn nền nhà, khiến việc đi lại của người dân khó khăn, mưa xuống nước chảy ngược vào nhà gây ngập. Thế nhưng, đường không phải chỉ nâng có một lần, nhà vừa nâng lên một thời gian thì đường lại được nâng cao hơn nữa, thế là nhà lại ngập, phải nâng tiếp...

Không chỉ có nhà chìm, hiện nay lại xuất hiện hiện tượng mới “nhà nổi”. Đó là công trình nâng cấp đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TPHCM), sau khi hạ thấp cốt nền biến nhà dân hai bên đường nhiều nơi bỗng cao hơn mặt đường hiện hữu gần 1m. Nhiều nhà muốn ra vào nhà phải leo bằng cầu thang, làm bậc tam cấp, thậm chí nhiều nhà không thể chạy xe vào được đành phải gửi xe ở nơi khác. Trước đây dự án chưa triển khai, khu vực này thường xuyên bị ngập nên nhiều nhà xây mới đã nâng cao nền. Khi dự án nâng cấp mở rộng đường Bạch Đằng và Hồng Hà (thuộc dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) triển khai, ở nhiều đoạn, mặt đường hạ thấp hơn so với mặt đường cũ khiến nhiều ngôi nhà bỗng dưng trồi cao hơn mặt đường cả mét. Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TPHCM), dự án này đã triển khai đúng theo cao độ cốt nền đường đã được Bộ Xây dựng và TPHCM phê duyệt, Sở GTVT cũng đã thông qua việc thiết kế kỹ thuật. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công thường xuyên tổ chức họp với UBND quận, phường, để giải quyết những vướng mắc hoặc tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, họ không hề nghe chủ đầu tư thông báo hạ cốt nền đường?!

Đành rằng trong quá trình triển khai xây dựng, nâng cấp đường, chỗ nào cốt nền thấp thì nâng, chỗ nào cao thì hạ thấp nhằm đồng bộ trên toàn tuyến, nhưng người dân thì không phải ai cũng đủ tiền, thời gian, công sức để cứ lâu lâu lại phải nâng nền, hạ nền theo… dự án sửa đường, nên rất nhiều người đành chấp nhận “sống chung với nhà nổi, nhà chìm”. Từ thực tế trên, việc xây dựng cơ sở hạng tầng thời gian qua không khác gì đánh đố người dân.

Theo các chuyên gia về cầu đường, ở các nước, mỗi khi sửa đường, người ta đều cạo hết lớp nhựa cũ rồi mới trải tiếp lớp mới để đảm bảo cốt nền đường, thế nhưng nhiều nhà thầu tại TPHCM cứ thế đắp lớp nhựa mới lên trên mặt đường cũ, do đó con đường sau mỗi lần sửa, lại cao lên vài tấc. Các chuyên gia đề nghị phải kiểm tra, làm rõ trong mỗi hồ sơ thiết kế dự án xây dựng, sửa chữa đường. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải có quy chuẩn chung về cốt nền xây dựng để người dân biết. Ngoài ra, cần có sự kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp xây nhà, làm đường không tuân theo cốt nền quy định, trong đó có biện pháp chế tài mạnh đối với các địa phương trong quá trình cấp phép xây dựng đã để xảy ra tình trạng loạn cốt nền.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục