Sáng 24-10, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo để thông tin về diễn biến tình hình, công tác triển khai ứng phó và thiệt hại bước đầu do mưa lũ từ ngày 15 đến 20-10; phương án ứng phó với bão số 8.
Đến 17 giờ ngày 23-10, còn 106 trường với 38.600 nghỉ học. Các trường này đang tổ chức dọn dẹp để các em đến trường trở lại.
Để hỗ trợ nhân dân sấy số lượng lúa bị ướt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện thu gom toàn bộ số lượng lúa bị ngập vận chuyển đến các cơ sở sấy; hiện tại chủ các cơ sở sấy ở huyện Can Lộc đã sấy được 165 tấn lúa, 100 tấn ngô ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên vận chuyển đến. Còn lại 33 trạm biến áp hạ thế đang mất điện, ảnh hưởng đến 5.072 khách hàng thuộc 7 xã phường các địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng (cả hàng và tiền). Với các mặt hàng nhu yếu phẩm, đơn vị chuyển ngay cho các địa phương để trao tới tay người dân. Về tiền, đã phân bổ 11 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Việc điều hành xã lũ như vừa qua là hết sức cần thiết, là chủ động hoàn toàn, có tính toán khoa học, thực hiện theo quy trình kỹ thuật và có sự thống nhất từ lãnh đạo bộ trở xuống, trên cơ sở tham mưu của ngành chuyên môn…”.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, nếu như không có hồ Kẻ Gỗ thì vùng hạ du còn ngập sâu hơn nữa, có hồ Kẻ Gỗ thì đã cắt lũ được 200 triệu m3 nước. Đề cập về nguyên nhân gây ngập lụt ở Hà Tĩnh vừa qua, ông Sơn đánh giá, do mưa lớn lịch sử kết hợp với triều cường dâng, các công trình cơ sở hạ tầng phát triển làm cản trở lũ, làm chậm thoát lũ...