
>> Thủ tướng: Tiền bồi thường của Formosa để hỗ trợ ngư dân, phục hồi môi trường
>> Formosa nhận trách nhiệm gây cá chết ở miền Trung
(SGGPO).- Sáng nay 1-7, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thực hiện quyết định số 183-QĐ/TU ngày 27-6-2016 của Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh về việc thành lập các tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự sau sự cố môi trường, chiều 30-6, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định thành lập hội đồng gồm 18 thành viên để đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường vừa qua.
Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch hội đồng; ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Chủ tịch hội đồng. 16 thành viên còn lại của hội đồng là lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Chủ tịch UBND 6 địa phương ven biển là thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân.
Hội đồng có trách nhiệm xây dựng đề cương nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện, xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian hoàn thành sớm nhất; đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương…
Hội đồng có thẩm quyền yêu cầu, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành liên quan, hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường của các huyện, thị xã triển khai thực hiện đánh giá thiệt hại đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước; xem xét, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện của hội đồng cấp huyện. Hội đồng được sử dụng con dấu của UBND tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ của mình và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Thành viên hội đồng có quyền điều động cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình để thực hiện nhiệm vụ...


Các tàu thuyền neo đậu tại bến neo đậu tàu thuyền phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh chụp sáng 1-7.
Theo báo cáo ban đầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện Hà Tĩnh có hơn 16.000 hộ có lao động gắn bó với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với khoảng 80.000 nhân khẩu. Bên cạnh đó, còn rất nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành nghề liên quan đến biển như sản xuất muối; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác…
Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, cùng với sự với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ban, ngành địa phương trong vùng ảnh hưởng đã ban hành và triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, do vậy đến nay, đời sống, tình hình khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của bà con nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng đã từng bước được ổn định.

Ngư dân thị xã Kỳ Anh đang tập kết hải sản. Ảnh chụp sáng 1-7
Tính đến cuối tháng 6-2016, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc hỗ trợ gạo đến tay người dân với khối lượng 1.505,418 tấn cho 17.068 hộ với 66.967 nhân khẩu; hỗ trợ 666,2 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại; hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn với mức 5 triệu đồng/1 cửa hàng; hỗ trợ tiền cho 3.852/4.681 chủ tàu, thuyền dã phê duyệt với số tiền là 17,718 tỷ đồng (đạt 82%).
Đồng thời, từ Quỹ cứu trợ của tỉnh Hà Tĩnh đã cấp, phát quà cho 10.328 hộ gia đình với tổng số tiền gần 9,5 tỷ đồng; cấp phát 30 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ dân, sử dụng 6,05 tỷ từ nguồn quỹ cứu trợ mua gạo hỗ trợ cho nhân dân theo Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 27-4-2016 của UBND tỉnh, bù đắp nguồn nhân sách Nhà nước nhằm đảm bảo chính sách Nhà nước thực hiện không bị trùng lặp. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền, gạo, quà cho các hộ bị ảnh hưởng với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.
Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ, tỉnh tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất và nuôi trồng. Từ giữa tháng 5 đến nay, số lượng tàu cá ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản đã tăng dần, dao động từ 54% đến 67% (toàn tỉnh có 5.013 tàu, thuyền các loại). Về nuôi trồng thủy hải sản, đến nay đã tiến hành thả nuôi 1.487ha. Toàn tỉnh cũng đã có 1.313 hộ dân với 2.600 lao động tham gia sản xuất muối…
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đầu tư xây dựng trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động của tỉnh đặt tại Trung tâm quan trắc môi trường - Sở TN-MT và đã chính thức đi vào hoạt động, thực hiện theo dõi, giám sát trực tuyến 24/24 giờ việc xả nước thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh với 6 thông số (pH, nhiệt độ, COD, chất rắn lơ lửng, tổng Nitơ và lưu lượng nước thải); xây dựng Trung tâm quan trắc môi trường của Khu kinh tế Vũng Áng tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh; chỉ đạo thực hiện giám sát các chỉ số môi trường đối với các cơ sở có nguồn thải lớn…Đến thời điểm hiện nay, ở địa bàn Hà Tĩnh không có ngộ độc xảy ra do hải sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh...
DƯƠNG QUANG