Hai bóng già cô đơn

Đôi vợ chồng già sống ở nơi này cũng đã gần hết một đời người. Bắt đầu từ lúc lấy nhau, rồi sinh con, miệt mài nuôi nấng chúng lớn khôn. Ông bà nhìn chúng lớn lên dang sải cánh bay đi tìm nơi trú ngụ mới, và rồi lại có những đứa cháu nhỏ. Sóng gió, bão dông đi qua, cuối cùng cũng chỉ còn lại bóng lưng của ông bà sớm tối bên nhau.

Cứ vài bận, ông bà lại lặn lội sang thăm nhà đứa này đứa kia một chút, lỉnh kỉnh toàn quà quê, khổ sở gom góp từng chút nhỏ. Con gà, buồng chuối, mớ rau…, kể cả là dăm ba quả ớt, đùm túm mang đi rồi lại tay không trở về. Đầy mệt mỏi nhưng nét mặt lại phấn chấn lên nhiều.

- Thế trên thành phố không có hay sao mà ông bà phải nhọc thế?

- Chúng nó chỉ thích đồ quê thế này thôi. Vừa sạch vừa đủ chất.

Lần nào tôi cũng vờ hỏi như thế, cốt chỉ để ông bà có thể chia sớt niềm vui khi từ phố trở về.

- Thế sao không lên ở với tụi nó cho vui?.

- Cũng lên rồi, ở rồi. Mà tụi nó cứ đi suốt, mình nhìn gì cũng chẳng quen. Lại về thôi.

Có những độ tết về, tôi thấy ông bà gói nhiều bánh chưng, muối vài hũ dưa hành, trang hoàng nhà cửa, giết vịt mổ gà, chuẩn bị trước cả tháng trời để đón con cháu về ăn tết. Thế rồi lại thấy ông bà gói ghém mọi thứ lại để gửi lên thành phố.

Lý do thì nhiều lắm, chỉ thiếu một cách để trở về. Vậy nhưng tôi chẳng bao giờ nghe ông bà buông lời oán trách, lại còn chép miệng xót thương con trẻ vất vả bộn bề. Mùng một, cánh cổng ấy mở rộng từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Rồi ba cái mùng chậm rãi trôi, ông bà vẫn đón tết lẻ loi hai bóng bên nhau. Tôi lùa mấy đứa trẻ nhà mình sang chơi cho ông bà bớt quạnh hiu, nhưng chẳng đủ tinh tế để biết khi nhìn con cháu người ta rôm rả trong căn nhà đơn sơ, lòng người già sẽ càng quạnh quẽ.

Trộm thấy bà đưa tay vuốt tóc con gái út của tôi, ông ngồi nhìn mấy đứa trẻ bóc bánh kẹo, cắn hạt dưa. Nhà lúc ấy thật đông, còn ông bà mải mê tìm chút hư ảnh thân quen lẫn trong đâu đó… Thời gian càng trôi, lòng người càng bất an lo lắng. Ông nhìn ra cổng, vu vơ trò chuyện cùng tôi.

Rồi có một ngày ông bà đùng đùng bắt xe lên thành phố, chỉ kịp dặn tôi trông giùm nhà. Nhìn ông bà hớt hải, tôi cũng đâm lo: chắc phải có chuyện gì mới gấp gáp như thế.Lần này chẳng đùm túm quà quê, trên môi cũng chẳng có lấy một nụ cười, đi chưa tròn tuần thì ông bà trở về, trông như già đi vài tuổi.

Tôi cứ đứng bên này sân ngóng cổ nhìn sang, thấy ông bà chẳng còn vui vẻ cười như dạo trước. Tôi cũng không dám bước sang bên ấy, sợ ông bà chẳng muốn kể điều gì. Ngày cứ tĩnh lặng trôi, mãi đến chiều nọ, ông gọi tôi sang nói chuyện.

- Mày xem thử khoảnh đất nhà ông bà bán được mấy hả con? Giờ bán thì có ai họ mua không?

Nét mặt ông nghiêm nghị, chẳng có gì giống với mọi khi tôi hay đùa xúi ông bán đất lên ở với con trai. Bà ngồi một bên cũng đăm chiêu lắm.

- Sao mà lại bán, mà bán bao nhiêu?

- Bán hết. Mày tính tầm bao nhiêu?

- Con không biết đâu. Cái này phải tìm ông Chương địa chính. Ông ấy làm cò đất thì còn biết, chứ con cũng chịu. Mà sao ông bà bán?

- Khổ! thằng cả nó bị làm sai giấy tờ gì bên công ty ấy, giờ phải bồi thường. Không là phải đi tù. Giờ vợ chồng nó đang xoay khắp nơi mà chưa đủ. Tao và bà ấy đang tính bán dưới này đi để phụ vợ chồng nó thêm ít.

- Thế để con lên hỏi lão Chương giùm ông bà xem sao. Thiếu đủ bao nhiêu đến khi ấy lại tính.

- Ừ, mày xem rồi hỏi giùm. Già rồi, có biết gì đâu.

Ông bà già thật, đến cái điện thoại còn chẳng biết xài, làm sao biết được mấy chuyện đất đai buôn bán. Ông bà lại càng không tính toán được chuyện thằng con trai phải tính thế nào, chỉ biết trở về gom tiền tránh cho con mình một đời tù tội. Nét lo âu hằn lên trên khuôn mặt, nụ cười tắt lịm từ bao giờ.

Tôi vâng lời đi tìm người định giá mảnh đất ông bà đã gắn bó bao năm. Ông bà nghe câu trả lời từ phía anh Chương thì lập tức gọi điện lên báo cho thằng con lớn biết. Chẳng hiểu câu chuyện sau đó thành ra thế nào, chỉ thấy ông cúp máy rồi khe khẽ lắc đầu. Bà sốt ruột hỏi đi hỏi lại, ông cũng ngập ngừng chốc lát rồi mới lên tiếng.

- Thằng cả nó bảo đừng bán mảnh đất ở quê. Vợ chồng nó tự lo liệu được rồi. Nó bảo để dành mảnh đất lại còn có chỗ thờ cúng ông bà tổ tiên. Đợi dăm hôm nữa nó thu xếp xong hẳn công việc trên ấy rồi nó về.

- Nó gom thế nào cho đủ hả ông? Ông đã hỏi kỹ chưa?

Bà cuống quít hỏi lại, mặt chẳng giấu được nét lo âu.

- Hỏi rồi. Nó bảo bán căn nhà trên ấy rồi vợ chồng nó về quê ở hẳn.

Ông gắt nhẹ, sau lại dịu giọng đi. Tôi chẳng hiểu sao bao nhiêu năm ông bà chạy lên chạy xuống thăm con, mỗi độ tết đến ngóng chúng nó đến đỏ con mắt, thế nhưng giờ nghe tin chúng nó về ở hẳn lại chẳng vui mừng. Hay cái lý do chúng nó “phải” về khiến ông bà thấy xót xa trong lòng. Tôi cứ để trong lòng một câu hỏi chẳng dám mở lời, nhìn ông bà ra ngóng vào trông đợi chúng nó trở về với khuôn mặt chất chứa đầy nỗi lo.

***

Thế rồi tôi chẳng thấy hai bóng già ấy cô đơn nữa. Đứa con trai lớn đưa cả nhà về tề tựu trong mái nhà cũ đơn sơ. Rõ ràng là nếp sống thành phố đã quen, thế nhưng nhìn một nhà hòa hợp vui vầy lại chẳng tìm ra có điều gì không thích hợp. Cô con dâu sáng sớm đã theo bà xách giỏ đi chợ, thằng con cả ngồi trước mái hiên cùng ông nhấp ngụm nước chè. Mấy đứa nhỏ đang học dở dang nên chỉ dọn đồ về trong chốc lát rồi lại đi, đợi đến lúc thu xếp hẳn cho về trường ở huyện là đủ một gia đình ba thế hệ cùng nhau sum họp.

Trước kia có bao nhiêu nhớ mong, giờ có bấy nhiêu đầm ấm. Những chuyện đã qua gửi lại vào ngày cũ. Hôm nay nụ cười lại nở trên môi của ông bà sau bao ngày tháng hai bóng dáng lủi thủi. Âu cũng là đoạn cuối đời mà ai làm cha làm mẹ cũng mong chờ.

Tin cùng chuyên mục