Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế

Tiếp tục phiên họp thứ 45, ngày 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách.

Kịch bản nào cũng thấp hơn dự kiến

Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã xây dựng 2 kịch bản dự kiến về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020. Theo kịch bản 1, GDP của Việt Nam tăng dự kiến khoảng 4,4%-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra). Ở kịch bản 2, GDP tăng dự kiến khoảng 3,6%-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN
Khẳng định cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 hiện nay có tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao. Chính phủ cũng dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu cũ).


Qua thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao, gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. 

Về đầu tư công, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, dù đã có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước, song với tiến độ như hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm. Đến hết tháng 4-2020, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giải ngân được 1.389 tỷ đồng, đạt 15,5%. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giải ngân 1.176,5 tỷ đồng, đạt 10,24% dự toán được giao…

Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới. Trong đó cần chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi ngân sách, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. 

Nỗ lực, phấn đấu phải tột độ

“Chính sách vĩ mô phải hết sức tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực, phấn đấu phải tột độ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Theo Chủ tịch Quốc hội, tăng trưởng chắc chắn không đạt chỉ tiêu, thu ngân sách cũng giảm; song hiện tại mới là giữa tháng 5, nên cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu ở mức nào, vì thế cứ đặt mục tiêu để nỗ lực cao nhất. Chủ tịch Quốc hội lưu ý về nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất cao, khi mà “nhiều khoản nợ đang tốt, dịch bệnh xảy ra thì tốt thành xấu, vì thế nới lỏng chính sách tiền tệ phải tính xem nền kinh tế có hấp thụ được hay không”.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm rằng, Chính phủ chưa đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020 mà đang dự báo dựa trên 2 kịch bản xấu và tốt, với các giả định về diễn biến dịch Covid-19. Theo đó, dự kiến tăng GDP ở mức 4,5% để chủ động điều hành. Nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá và dự báo tình hình năm 2020 một cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ 3 bên cạnh 2 kịch bản hiện có. Kịch bản thứ 3 dựa trên cơ sở là khả năng làn sóng thứ 2 về dịch bệnh sẽ diễn ra vào thu đông 2020, dịch bệnh trên thế giới chưa thể dập tắt ngay được trong năm 2020 và việc sản xuất vaccine phòng bệnh có thể kéo sang đến năm 2021. Theo kịch bản này thì những lĩnh vực kinh tế có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ đó có giải pháp thích ứng.

Tin cùng chuyên mục