
Đó là Rugby (bóng bầu dục) và Football Freestyle (bóng đá nghệ thuật) vừa du nhập VN trong thời gian gần đây. Điều thú vị là hai bạn trẻ góp nhiều công sức trong việc đưa môn thể thao này đến với giới trẻ VN lại là hai Việt kiều trở về từ Australia và Ireland.
- Nguyễn Hoài Nam - người khởi xướng football freestyle

Nam the man đang biểu diễn một pha bóng của Football freestyle.
Trở về VN vào những ngày cuối tháng 4, Nam the Man (tên VN là Nguyễn Hoài Nam) đã có buổi biểu diễn giới thiệu về football freestyle trước Bưu điện thành phố để thực hiện một phóng sự về bóng đá nghệ thuật cho chương trình Thể thao sáng thứ bảy (HTV). Bắt đầu với những động tác dễ: tâng, vuốt, đưa bóng qua đầu, xuống chân, sau đó là các động tác đặc biệt chỉ những người đạt đẳng cấp cao mới thể hiện được. Từ vài khán giả ban đầu, chỉ trong chốc lát đã có gần 100 người quây xung quanh bàn tán. Một số người lầm tưởng đây là một loại hình xiếc với bóng của một nghệ sĩ đường phố nhưng Nam cho biết đây là một môn thể thao khá thịnh hành tại châu Âu- football freestyle. Theo Nam :”Khó khăn lớn nhất là tự huấn luyện cho mình, tự nghĩ ra những động tác để biểu diễn cùng trái bóng”.
Football freestyle bắt nguồn ở châu Âu, thịnh hành ở Hà Lan, Ireland nhưng ở châu Á thì chỉ vài nước có người chơi môn này. Đây là môn thể thao thuần về tính kỹ thuật (có thể phối hợp với nhạc, breakdance, hiphop), có tính cộng đồng. Ngoài 6 kỹ thuật căn bản mà người chơi phải nắm vững, những người đạt đẳng cấp cao như Nam còn có những động tác đặc biệt với độ khó gấp rất nhiều lần so với các động tác căn bản. Người ta gọi môn chơi này là “freestyle” bởi người chơi có thể sáng tạo và chứng tỏ thủ thuật biểu diễn. Football freestyle đã có hiệp hội chuyên nghiệp và giải vô địch thế giới (www.freestylesoccereral.com).
Bắt đầu chơi football freestyle cách nay 6 năm sau khi xem cầu thủ Ronaldinho thi đấu, trong giải football freestyle quốc tế tổ chức tại Hà Lan (Ring soccer and freestyle final 2006), Nam đã được xếp thứ 3 thế giới sau Mr Woo (Hàn Quốc), Mike Delaney (UK). Sinh ra và lớn lên ở Ireland, tốt nghiệp chuyên ngành CNTT (Technology University of Dublin), Nam lại quyết định chọn môn thể thao này để gắn bó lâu dài. Chỉ biết VN qua lời kể của ba mẹ nhưng khi đặt chân về quê hương và được biểu diễn trước khán giả nước nhà ở chuyến về thăm quê lần thứ 3 này, Nam có được cảm giác tuyệt vời nhất trong sự nghiệp biểu diễn quốc tế suốt 4 năm qua. Hiện Nam đang cùng một nhóm bạn VN xây dựng phiên bản tiếng Việt để giới thiệu môn thể thao này đến với các bạn trẻ VN.
- Tommy Lê và nỗ lực cùng Sài Gòn Rubgy Football Club

Tommy Lê (mặc áo đen, thứ 2 từ trái sang phải) đang hướng dẫn một số bạn nữ tập luyện Rugby tại ĐH RMIT.
Sân vận động của ĐH quốc tế RMIT (Q7, TPHCM) mỗi chiều cuối tuần thường xuất hiện một nhóm bạn trẻ người VN và những doanh nhân, nhân viên mang nhiều quốc tịch khác nhau như Australia, Hàn Quốc, Mỹ… quây quần dưới cái nắng gay gắt tập luyện rugby - một dạng của môn bóng bầu dục đang thịnh hành trên toàn thế giới. Điều đáng ngạc nhiên là những người tham gia tập luyện rugby có cả những bạn gái. “Chỉ sau 5 lần tập với cường độ 2g/buổi tập, mình đã có thể chơi được rugby”, Khánh An (nhân viên Bệnh viện Việt-Pháp) nói. Với làn da rám nắng toát lên sự khỏe mạnh, Thanh Thủy (Q1) - người gắn bó với môn thể thao này 3 năm, cho biết thêm: “Cũng như nhiều môn thể thao khác, ngoài việc rèn luyện sức khỏe, rugby rèn luyện cho bọn mình kỹ năng quan sát rất tốt, khả năng phán đoán tình huống nhanh nhạy, khả năng phối hợp và tinh thần đồng đội cao”.
Người hướng dẫn cho các bạn trẻ tập luyện là Tommy Lê - thành viên SG Rugby Football Club, một kỹ sư trưởng thành tại Australia và hiện đang làm việc tại Công ty Phoenix VN. Về VN làm việc đã hơn 5 năm, cũng ngần ấy thời gian anh tham gia hướng dẫn tập luyện rugby miễn phí cho các bạn trẻ VN. Dù nói tiếng Việt không rành nhưng anh vẫn cố gắng truyền đạt những kỹ thuật cơ bản của rugby - môn thể thao mà anh tham gia tập luyện từ năm 9 tuổi.
Rugby là môn thể thao rất thông dụng tại Anh, Ireland, Australia, Mỹ nhưng tại VN, vài năm gần đây nó mới được biết đến nhiều. Số lượng người chơi tập trung vào nhóm người nước ngoài sinh sống tại TPHCM và HS, SV các trường quốc tế, những người lao động VN tại các cơ quan nước ngoài. So với giải năm ngoái, giải Rugby VN lần thứ 2 diễn ra vào giữa tháng 4 này được Hội Rugby VN tổ chức quy mô và chuyên nghiệp hơn với sự tham dự của 10 đội: Al Fresco, Ben Line, Billabong, BIV, bệnh viện Pháp - Việt, HBP, Trường quốc tế , JAL, lãnh sự quán Australia và FOB. Điều khá thú vị là so với lần đầu tiên, lần thứ 2 có sự góp mặt của khá nhiều cầu thủ VN.
Rất có thể trong tương lai không xa, những nỗ lực của hội Rugby VN sẽ được đền đáp khi có một đội tuyển rugby mang tên VN ở các giải đấu quốc tế. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của những người khởi xướng như Lê và Nam.
NGỌC TRÂM