Hai lúa làm vệ sĩ

Rủ nhau làm vệ sĩ
Hai lúa làm vệ sĩ

Thời gian gần đây, có một hiện tượng lạ đang diễn ra ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Đàn ông con trai kéo nhau lên TPHCM làm vệ sĩ, trong khi mấy chị em ở đây, lúc trước lên Sài Gòn lập nghiệp, nay lục tục về quê làm… công nhân. Hình như ai cũng thấy hài lòng về sự dịch chuyển này, dù mỗi người có một lý do riêng.

Anh Dũng - một vệ sĩ “Hai lúa” ở Cao Lãnh đang giữ xe một quán cà phê ở Tân Bình.

Anh Dũng - một vệ sĩ “Hai lúa” ở Cao Lãnh đang giữ xe một quán cà phê ở Tân Bình.

Rủ nhau làm vệ sĩ

Mấy tháng qua, quán cà phê C. trên đường Nguyễn Trọng Hoàng (quận Tân Bình) thu nạp thêm mấy vệ sĩ quê Đồng Tháp. Theo chủ quán, đây là những vệ sĩ “Hai lúa” chính hiệu, bởi họ vừa thu hoạch xong vụ mùa, khăn gói lên Sài Gòn kiếm thêm thu nhập. Thật vậy, ông Nguyễn Văn Hợp, một vệ sĩ của quán này, cho biết nhà ông ở một xã vùng sâu của huyện Cao Lãnh. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè-thu, ông cụ bị lên đây làm vệ sĩ cho quán cà phê này gần 3 tháng qua. Khi hỏi công việc như thế nào, ông cười tít mắt bảo: “Trời ơi, nói làm vệ sĩ cho oai chứ thật ra là làm bảo vệ, giữ xe cho quán cà phê. Mỗi khi có mưa, lau yên xe cho ráo trước khi giao trả khách… Công việc chỉ có vậy, sáng làm tới tối, ngày này qua ngày khác vẫn vậy”.

Nhưng theo ông Hợp, tính ra vẫn sướng hơn ở dưới quê làm mấy công ruộng. Bởi làm lúa cả năm chỉ kiếm được có mấy triệu đồng nên “nhai qua nhai lại” là hết. “Còn lên đây làm vệ sĩ, ăn ở chủ quán lo, một tháng được trả công 2,5 triệu đồng, thỉnh thoảng còn được khách boa… Tính ra sướng hơn 1 năm làm ruộng” - ông Hợp tâm đắc nói. Có lẽ vì thế mà trong một thời gian ngắn, nhiều người cùng quê với ông Hợp dù chưa được đào tạo bài bản ngày nào cũng lên đây làm vệ sĩ cho các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng... Cái may mắn là ai cũng có được việc làm, có thu nhập ổn định.

Phát, nhà ở một huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, hiện làm vệ sĩ cho một nhà hàng ở quận 3, cho biết: Em mới thi tốt nghiệp THPT xong, được người quen giới thiệu lên Sài Gòn làm vệ sĩ. Sợ thi đại học không đậu nên em liều đi làm vệ sĩ luôn. Cũng may, một tháng được trả 3 triệu đồng, ăn ở chủ lo nên hàng tháng em gửi về nhà 2 triệu đồng giúp cha mẹ lo cho hai em đi học.

Lận đận đường đời

Nhưng thực tế, có không ít người sống dở chết dở khi bỏ quê lên phố làm vệ sĩ. Anh Thanh ở Tiền Giang kể lại, anh mượn chòm xóm được 2 triệu đồng rồi khăn gói lên TPHCM làm vệ sĩ theo lời rủ rê của đứa bạn. Cứ tưởng cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn, nào ngờ mới lên TP được mấy bữa, chưa kịp làm gì, đã bị đứa bạn lừa lấy hết 1 triệu đồng. Bấm bụng làm liều, anh nộp 700.000 đồng cho công ty vệ sĩ T. ở huyện Bình Chánh gọi là tiền quần áo và huấn luyện để được làm vệ sĩ. Hai hôm sau, anh được phát cho bộ đồng phục rồi đưa về làm bảo vệ một công ty sản xuất giày da ở huyện Đức Hòa (Long An).

Mới làm bảo vệ được một tuần, công nhân công ty này đình công, phá rào vào đập phá máy móc, 5 bảo vệ của công ty ra cản ngăn bị công nhân hành hung. Hoảng hồn, anh cùng với một bảo vệ khác (quê ở huyện Đức Huệ, Long An) lột bỏ áo vệ sĩ chạy thoát thân về Đức Huệ. Cũng may, ở đây anh xin được một việc làm khác: trồng chanh mướn cho một trang trại. Mỗi ngày kiếm được 90.000 đồng, mấy tháng qua anh dành dụm gửi về quê để vợ trả nợ. Có điều anh chưa nói cho vợ biết là anh đang làm “công nhân” cho một trang trại ở Đức Huệ chứ không phải vệ sĩ ở Sài Gòn…

Một xí nghiệp may ở Đồng Tháp Mười thu hút hàng trăm công nhân từ TPHCM về làm việc.

Một xí nghiệp may ở Đồng Tháp Mười thu hút hàng trăm công nhân từ TPHCM về làm việc.

Long, một trong 4 “Hai lúa” ở Sóc Trăng làm vệ sĩ một nhà hàng ở quận 7, than thở: “Tụi em đã nghèo còn mắc cái eo”. Theo Long, 4 anh em quê ở xứ hành tím Vĩnh Châu nhất quyết ra đi để mong được đổi đời. Nào ngờ bị ông bạn giới thiệu lừa lấy hết mấy tháng tiền lương của 4 người. Khi sự việc vỡ lở, ông bạn trốn mất, chủ nhà hàng cho 4 “vệ sĩ Hai lúa” nghỉ việc luôn vì “không rõ nguồn gốc”. Báo hại 4 người sống cù bơ cù bất cả tháng trời ở TPHCM, cuối cùng gặp một người bạn rủ lên Đồng Nai hái cà phê. Khổ nỗi, ở đây cũng chẳng tốt đẹp gì hơn.

Suốt ngày chủ bắt đi hái cà phê, tối về cho ngủ trong cái lán trại giữa rừng, lạnh thấu xương. Làm cả hai tháng trời mà chẳng thấy chủ trả lương, hỏi ra mới biết anh bạn kia cũng là “cò” nhân công, đi gom quân về giao cho chủ trang trại để hưởng hoa hồng trên số đầu lao động kiếm được. Cái khổ ở đây là anh bạn đã “ký hợp đồng” miệng với chủ trang trại là làm 3 tháng mới nhận lương một lần nên anh em dù có bất mãn, có muốn nghỉ, muốn bỏ về cũng không được, vì trang trại rất xa so với đường cái, anh em không có tiền, giấy chứng minh nhân dân cũng bị chủ giữ. “Khi ra được tới đường cái, lên xe về tới Sài Gòn là tôi muốn khóc. Tôi hứa với lòng là từ nay về sau quyết không bỏ quê đi nữa. Ở quê dù có nghèo cũng đỡ khổ hơn là đi tha phương cầu thực mà chẳng được gì” - Long buồn rười rượi.

Bỏ phố về quê

Năm 2005, học hết lớp 12, Huệ lên TPHCM xin vào làm công nhân ở KCN Tân Bình với mong ước đổi đời. Bởi theo Huệ, làm công nhân sẽ không còn còng lưng ngoài đồng như ở quê cô thuộc một xã vùng sâu của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Thế nhưng, sau mấy năm “cày ải”, Huệ thấy sức khỏe ngày một sa sút, trong khi tiền bạc tích lũy cũng chẳng được bao nhiêu. Đang lưỡng lự chuyện về hay ở, Huệ được cô bạn dưới quê rủ về làm công nhân cho Công ty May TG mới mở ở xã Kiến Bình huyện Tân Thạnh (Long An). “Tính ra về đây làm sướng hơn ở Tân Bình” - Huệ nói.

Theo Huệ tính toán, làm việc ở KCN Tân Bình mỗi tháng kiếm được khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng, nhưng rốt cuộc cũng hết sạch, do giá cả cái gì cũng đắt. Còn về quê, làm lương cũng khá, ở gần nhà nên dành dụm được nhiều hơn. Thủy, công nhân của Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Quê Việt ở xã Phú Kiết huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cho biết: Cuối năm 2009, khi công ty này đi vào hoạt động, em xin vào làm. Thu nhập ở đây cũng không thua gì ở thành phố, lại được cái gần nhà nên tháng nào cũng dành dụm được một ít, chứ ở TP tháng nào cũng hết sạch.

Anh Thanh đang làm “công nhân” trồng chanh cho một trang trại ở Đức Huệ.

Anh Thanh đang làm “công nhân” trồng chanh cho một trang trại ở Đức Huệ.

Theo Huệ và Thủy, tại công ty hai cô đang làm phần đông là công nhân từ TPHCM quay trở về làm việc. Lúc trước ở quê chưa có nhà máy, xí nghiệp nên họ lên TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân, nay ở quê có nhà máy, xí nghiệp nên họ quay về. Theo họ, dù sao làm ở quê cũng tốt hơn là đi làm xa.

Ông Trương Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty May TG ở Tân Thạnh, cho biết công nhân của công ty ông hiện có khoảng 50% từ nơi khác xin về đây làm việc. Số công nhân từ nơi khác chuyển về có vai trò rất quan trọng đối với nhà máy trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động. Bởi tay nghề, tác phong công nghiệp sẵn có nên họ hình thành bộ khung, giúp dây chuyền sản xuất vận hành được ngay, không cần phải qua thời gian tập sự.

Chuyện phát triển sản xuất công nghiệp ở các vùng quê, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, giúp họ ly nông nhưng không ly hương là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, số nhà máy, xí nghiệp hiện nay ở vùng nông thôn ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long không nhiều nên nhiều công nhân muốn quay về quê làm việc cũng không được. Về việc này, nhiều nhà quản lý ở các nhà máy, xí nghiệp ở nông thôn cho biết: các nhà đầu tư không mặn mà việc mở nhà máy, xí nghiệp ở thôn quê các tỉnh miền Tây Nam bộ là vì xa, chi phí đầu tư lớn… Đó là chưa kể nhiều công nhân “Hai lúa” vùng này vẫn chưa có tác phong công nghiệp, còn quen làm việc theo kiểu nông dân: muốn nghỉ là nghỉ, thậm chí đang làm việc bỗng dưng xin nghỉ phép để đi…đám giỗ. Hay đang làm hàng cho nhà máy, nghe người nhà gọi điện bảo công cắt lúa cỡ này lên cao là làm đơn xin nghỉ để về nhà cắt lúa, đến khi hết mùa lúa lại đến công ty năn nỉ xin trở vào làm công nhân…

Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục