Hai nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh: Từ vườn tượng, gặp vườn đời

Giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân những người có công với dân tộc, đất nước là tâm nguyện của hai nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh. Sau những cuộc triển lãm, họ đã dành tiền bán được tác phẩm gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo ở Long An. Âm thầm qua năm tháng, họ tâm huyết tạc và dựng được tượng các chiến sĩ cách mạng yêu nước như Võ Văn Ngân, Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Hạnh, Anh hùng LLVT Huỳnh Việt Thanh… trên chính những ngôi trường quê hương. Theo giòng thời gian là cuộc triển lãm tượng chân dung danh nhân lần thứ ba của hai nghệ sĩ, được tổ chức tại Ami Art Gallery, Khu Du lịch Văn Thánh, từ 28-11 đến 7-12-2010.
Hai nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh: Từ vườn tượng, gặp vườn đời

Giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân những người có công với dân tộc, đất nước là tâm nguyện của hai nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh. Sau những cuộc triển lãm, họ đã dành tiền bán được tác phẩm gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo ở Long An. Âm thầm qua năm tháng, họ tâm huyết tạc và dựng được tượng các chiến sĩ cách mạng yêu nước như Võ Văn Ngân, Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Hạnh, Anh hùng LLVT Huỳnh Việt Thanh… trên chính những ngôi trường quê hương. Theo giòng thời gian là cuộc triển lãm tượng chân dung danh nhân lần thứ ba của hai nghệ sĩ, được tổ chức tại Ami Art Gallery, Khu Du lịch Văn Thánh, từ 28-11 đến 7-12-2010.

Hai nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh: Từ vườn tượng, gặp vườn đời ảnh 1

Từ trái sang phải: GS-TS Trần Văn Khê, NSĐK Nguyễn Sang, GS-AHLĐ Vũ Khiêu, NSĐK Kim Thanh

Rẽ ngoặt vào... nghệ thuật

Xuất hiện trong làng mỹ thuật khoảng 5 năm gần đây qua các cuộc triển lãm riêng về tượng chân dung danh nhân văn hóa, anh hùng, tướng lĩnh, giới văn nghệ sĩ, trí thức có nhiều cống hiến cho dân tộc đất nước…, tên tuổi hai nhà điêu khắc “trẻ” Nguyễn Sang- Kim Thanh đã được công chúng mỹ thuật biết đến từ những đóng góp nghệ thuật tài hoa của họ.

Nguyễn Sang- Kim Thanh vẫn luôn coi cơ duyên gặp nhà điêu khắc Tô Sanh và được ông hết lòng truyền dạy nghề tạc tượng là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Bày tỏ lòng tri ân thầy Tô Sanh, hai người học trò của ông đã trình làng cuộc triển lãm đầu tiên Ơn thầy, khá cảm động vào năm 2006 tại TP Hồ Chí Minh. Tiếp theo, bước phát triển nghề nghiệp thật ngoạn mục của cặp nghệ sĩ tài hoa, đẹp đôi là cuộc triển lãm tượng chân dung lần thứ hai, với tên Đất nước ngàn năm, Anh tài muôn vẻ, được tổ chức cuối năm 2008, ở Hà Nội. Cũng từ cuộc triển lãm này, nhà văn hóa, Anh hùng Lao động, GS Vũ Khiêu - đã tặng Nguyễn Sang - Kim Thanh câu đối Tinh hoa tỏa xuống bàn tay ngọc/ Thần sắc bừng lên bức tượng vàng. Hai nghệ sĩ xem đây là lời động viên thật quý báu đối với sự nghiệp khởi đầu của họ.

Nơi hội ngộ

Gặp lại Nguyễn Sang - Kim Thanh tại xưởng điêu khắc Đồng Vàng trong ngõ hẻm 824/45 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, người xem ngỡ ngàng trước công trình, tác phẩm, bộc lộ sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của hai nghệ sĩ. Đi tìm nguồn cảm hứng sáng tác như thế nào để có được thế giới nhân vật quá phong phú trong một khuôn viên sân hẹp và dàn đầy gian phòng nhỏ? Trò chuyện cùng khách, Nguyễn Sang- Kim Thanh, bộc bạch: “Chúng tôi đã đi và tìm nhiều nơi “anh tài hội ngộ”. Một số nhân vật rất hay đã được giới thiệu trên báo, đài. Đôi khi, chúng tôi cũng nhờ bạn bè, người quen hoặc được công chúng mách bảo cho nhân vật hay nguồn tư liệu”.

Hai nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh: Từ vườn tượng, gặp vườn đời ảnh 2

Nhà thơ Hữu Loan, tác phẩm phù điêu của Nguyễn Sang - Kim Thanh

Nguyễn Sang - Kim Thanh kể từng trường hợp họ đã xin gặp gỡ trực tiếp hoặc có khi chỉ gián tiếp tạc tượng các “danh sĩ, anh hùng” góp mặt trong bộ sưu tập của họ. Bảng danh sách ngày càng dày lên với: Tượng chân dung và bức phù điêu Bác Hồ; tượng GS Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, tượng Bà mẹ VNAH Bùi Thị Mè, Huỳnh Thị Phước, Nguyễn Thị Gàn, học giả Giản Chi, GS Ngô Gia Hy, GS-TS Đặng Đình Áng, GS-TS Vũ Tuyên Hoàng, nhà điêu khắc Tô Sanh, PGS Trần Thanh Đạm, AHLĐ Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nhạc sư Vĩnh Bảo, GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, NSND Phạm Khắc, NSND Đoàn Dũng, nhà thơ Hữu Loan, Bùi Giáng, nhà văn Tô Hoài, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, tượng Chiến sĩ Trường Sơn…

Nhìn lại quá trình sáng tác, từ thế giới nhân vật trong vườn tượng, Nguyễn Sang- Kim Thanh cho rằng họ đã cảm nhận và cảm kích biết bao câu chuyện đời, như lời nhận xét qua câu thơ đề tặng của nữ sĩ Tùng Long: Góp công xây dựng vườn đời/Mượn hồn đá tảng giữ người thiên thu.

Bài học từ cuộc đời và bút tích

“Chúng tôi có duyên may được gặp gỡ và được tạc tượng các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà cách mạng… - Nguyễn Sang - Kim Thanh tâm sự - Trong quá trình tiếp xúc tạc tượng các chú, các bác, nhiều lúc chúng tôi thật hạnh phúc khi nghe được những lời nói chân thành của các cụ muốn nhắn nhủ lại thế hệ trẻ. Đó chính là những bài học thật quý giá. Cũng có những kỷ niệm về các cụ, rất khó quên. Nhớ lần được phép phác thảo tượng học giả Giản Chi lúc cụ bước vào tuổi 100, vậy mà trí nhớ của cụ vẫn minh mẫn khi đọc tặng chúng tôi bài thơ Hồng Hồng, Tuyết Tuyết của Dương Khuê.

Còn, lần tạc tượng GS-BS Nguyễn Tấn Gi Trọng, chúng tôi thật xúc động, cảm kích, khi đọc đoạn ông ghi trong trang bút tích viết về người mẹ quá cố: “…Lúc sinh thời Má thường dạy con: Bất cứ làm việc gì cũng phải sống cho sạch, phải giúp đỡ đồng bào nghèo trên quê hương mình. Má ơi, con luôn làm theo lời Má dạy…”. Nghiền ngẫm bút tích của ông, chúng tôi thấu hiểu hơn ý nghĩa sống như thế nào cho xứng đáng với cha mẹ, với quê hương. Tiếp xúc với GS- BS Ngô Gia Hy, ông đã dạy cho chúng tôi một cách gián tiếp về bài học giữ sức bền bỉ, chống mệt mỏi trong quá trình làm việc, nhờ luyện khí công. Đọc lại bút tích của ông viết ngày 18-3-2004, cứ làm chúng tôi xốn xang: …Cuộc đời dâu bể đa đoan/Khắc trên vầng trán những làn sóng sâu/Dưới tay nghệ sĩ nhiệm mầu/Tượng hình biến hóa bể sâu tâm hồn…”.

Mỗi câu chuyện đời qua bức tượng, qua bút tích đã là mở ra nhiều điều suy ngẫm. Nhưng, theo lời kể của Nguyễn Sang - Kim Thanh, đằng sau cuộc triển lãm, đôi khi, họ thật bất ngờ trước những lưu bút nhận xét của lớp “hậu duệ” các danh nhân. Thầy thuốc nhân dân Đặng Hiếu Trưng (cháu ngoại danh nhân Đào Tấn), cho rằng khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Nguyễn Sang- Kim Thanh đã rất xúc động nhớ cụ Đào Tấn, nhớ tuồng của cụ: “Tuồng Đào Tấn có thể coi như một kho tàng văn học rất phong phú, khai thác chưa thể nào đến hồi cạn kiệt…”. Còn, ca sĩ Tina Tình bày tỏ, cô rất yêu thích bức tượng thể hiện rất đạt, diễn tả đúng thần thái, nụ cười của “sư phụ” NSND Trần Hiếu. Chính vì vậy, cô mong muốn đó sẽ là món quà tặng sinh nhật thầy…

Mỗi lần mở một cuộc triển lãm với biết bao lo toan! Nhưng có lẽ đối với Nguyễn Sang- Kim Thanh, điều quan trọng nhất là được sự quan tâm của công chúng. Ngoài các vị khách lão thành thưởng ngoạn còn có những người trẻ tuổi nhận xét thật trân trọng về phòng tượng. Họ cho rằng chính mình đang lắng nghe những bước đi của lịch sử và được sống với “những người đương thời” của lịch sử.

Đó cũng là niềm vui và là nguồn hạnh phúc lớn của đôi vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang - Kim Thanh.

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục