
Một ngày sau khi ký hợp đồng thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật chính khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (ngày 1-10-2007), Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã tổ chức hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho tư vấn thực hiện quy hoạch này: tập đoàn Sasaki (Mỹ) và tư vấn phụ Parsons Briskerhoft (PB) (Mỹ). Bằng tất cả sự kỳ vọng vào Thủ Thiêm sẽ là một đô thị hiện đại trong tương lai, các sở ngành liên quan đã có mặt khá đầy đủ tại hội thảo.
Địa chất phức tạp - thử thách đầu tiên

Một góc Thủ Thiêm. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Thủ Thiêm-đất trũng và yếu. Một điều đã được biết đến từ lâu nhưng những thông số cụ thể về vùng đất này do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Phân viện Địa lý tại TPHCM (gọi tắt là Phân viện) cung cấp tại hội thảo dường như vẫn không thừa đối với những người quan tâm đến Thủ Thiêm.
Theo Phân viện, về cơ bản, sông Sài Gòn bao quanh Thủ Thiêm là đoạn sông ổn định nhất. Tuy nhiên, phần nằm ở đầu bán đảo và cuối bán đảo Thủ Thiêm không được ổn định. Đặc biệt trong thời gian gần đây dưới những tác động tiêu cực của con người (làm bờ kè, lấn sông…), một số nơi, dòng chảy và bờ bãi thay đổi nhiều. Tổng kết diễn biến sạt lở sông Sài Gòn trong nhiều năm qua cho thấy, trên đoạn sông bao quanh Thủ Thiêm đã xảy ra một vụ trượt đất nghiêm trọng, phải di dời hàng chục hộ dân (do mố cầu làm thay đổi dòng chảy của sông). “Sạt lở bờ sông nhất định sẽ xảy ra trong quá trình xây dựng đô thị Thủ Thiêm”, Phân viện cảnh báo.
Theo Phân viện, giải pháp cho vấn đề này là: bờ sông cần sớm được bảo vệ. Chất lượng nước sông Sài Gòn, đoạn bao quanh Thủ Thiêm cũng được Phân viện báo động. Tại đây là cửa xả của hầu hết các cống thoát nước trên địa bàn hai quận 1 và 4. Do vậy, chất lượng nước đang rất xấu, dự báo nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đô thị Thủ Thiêm.
Theo Phân viện, công việc đầu tiên nên làm khi xây dựng đô thị Thủ Thiêm là… san nền. Tuy nhiên, Phân viện cũng cảnh báo việc này sẽ làm mất đi các ô trũng điều tiết nước, do vậy song hành với san nền là làm hồ điều tiết nước. Về cao độ san nền, Phân viện đề nghị sử dụng mức nước triều do bão gây ra, tương ứng 1,76m làm mức nước thiết kế (thay cho mức 1,54m do Sasaki kiến nghị). Phân viện cũng đề nghị xem xét thêm biện pháp khắc phục nước tràn bằng tường chắn với chiều cao 1m, kết hợp với tường, kè, dọc bờ sông.
Đất Thủ Thiêm rất yếu và nên có giải pháp thích hợp cho vấn đề này, nhất là đối với các công trình hạ tầng cơ sở; nếu có dùng đất ở đây để san lấp thì cũng nên có giải pháp xử lý tốt trước khi dùng, Phân viện lưu ý đơn vị tư vấn.
Kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh: không dễ
Ông Huỳnh Anh Khiết, Phó phòng Quy hoạch khu vực trung tâm thành phố của Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM nêu một thực trạng quy hoạch… thật đáng lo lắng. Quy hoạch Thủ Thiêm và quận 2 hiện đang có sự chênh nhau khá lớn về hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt khu vực 80 ha gần Thủ Thiêm đã có 28 dự án đã giao đất. “Khớp nối” được sự khác biệt này là bài toán khó cho các nhà làm quy hoạch.
Theo ông Khiết, hiện nay TPHCM đang tổ chức thi ý tưởng thiết kế đô thị trung tâm thành phố hiện hữu. Và một trong những yêu cầu cho việc này là phải kết nối được trung tâm hiện hữu với Thủ Thiêm, biến vùng này thành trung tâm cho cả thành phố. Song hành với việc ấy, thành phố cũng cho điều chỉnh lộ giới một số đường theo hướng tôn trọng hiện trạng của các khu vực xung quanh Thủ Thiêm. Vành đai Vầng trăng lưỡi liềm của Thủ Thiêm lộ giới 45,4m đã được điều chỉnh theo hướng phù hợp với đường Lương Định Của lộ giới 30m…Thế nhưng, giải vấn đề “vênh” nhau như hiện nay vẫn đang đợi giải pháp căn cơ của tư vấn.
Tiến sĩ Trần Luân Ngô, đại diện Sở Giao thông Công chính TPHCM lưu ý tư vấn các vấn đề: TPHCM là một thành phố năng động, nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Do vậy, đường phải rộng để đáp ứng nhu cầu ấy; quy mô cầu vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm khá lớn. Do vậy, quy mô đường trong khu vực phải tương xứng, không được nhỏ hơn để đảm bảo an toàn, chống ùn tắc giao thông.
Ngoài những khuyến cáo, đại diện nhiều sở ngành cũng cung cấp thêm một số thông tin khác cho tư vấn như là một dữ kiện đề bài-một thực tế cần được tôn trọng khi thiết kế. Đó là sẽ có các đường monorail, metro… đi qua Thủ Thiêm.
Dự kiến sau hội thảo, các nhà tư vấn sẽ có 6 tháng để làm quy hoạch. Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, trị giá gói thầu này là 1,7 triệu USD.
Theo Kiến trúc sư Trang Bảo Sơn, Phó trưởng Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào Thủ Thiêm. Tuy nhiên, TPHCM đang muốn chọn ra những nhà đầu tư chiến lược, có khả năng đầu tư được các công trình lớn của Thủ Thiêm. Theo Viện Kinh tế TPHCM, dự kiến Thủ Thiêm sẽ phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2007-2010: Thời gian này sẽ cơ bản hoàn tất hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính của Thủ Thiêm như xây dựng hồ điều tiết, các trục đường chính, hệ thống cấp thoát nước, tương đương khoảng 70%-80% khối lượng công việc. Khởi động các dự án công cộng lớn nhằm tăng sự hấp dẫn của Thủ Thiêm. Xây dựng khoảng 40%-50% khu dân cư, thương mại ở Thủ Thiêm. Giai đoạn 2: 2010-2015: Khai thác các dự án thương mại với hiệu quả cao; hoàn thiện các dự án hạ tầng và không gian sinh thái; triển khai các hoạt động đô thị. |
Nguyễn Khoa