Hầm hố phố phường

Là nói chuyện những hầm hố nghĩa đen chứ không bàn đến việc vài anh trai bến bãi có gương mặt “hầm hố” bặm trợn với bộ quần áo rằn ri “hầm hố” đếm mãi không hết túi. Đồng bộ với dạng “hầm hố” này còn là toàn thân xăm trổ trông như tác phẩm hội họa vẽ món “Cá chép om dưa”.

Là nói chuyện những hầm hố nghĩa đen chứ không bàn đến việc vài anh trai bến bãi có gương mặt “hầm hố” bặm trợn với bộ quần áo rằn ri “hầm hố” đếm mãi không hết túi. Đồng bộ với dạng “hầm hố” này còn là toàn thân xăm trổ trông như tác phẩm hội họa vẽ món “Cá chép om dưa”.

Trẻ con Hà Nội đầu những năm 1960 thế kỷ trước được làm quen với những căn hầm biệt thự Pháp cũ. Hầu như biệt thự lớn nào cũng có hầm. Người lớn giải thích đó là hầm đựng rượu của những gia đình quý tộc. Hầm thường có cửa sổ chấn song hoa sắt mở ra sát mặt đất bên ngoài. Tất nhiên khi tiếp quản thủ đô vào năm 1954 đã không còn một căn hầm nào hoạt động đúng với công năng của nó nữa. Đơn giản vì dù có là quý tộc giàu có thật cũng phải nhanh chóng xây bịt căn hầm lại.

Những căn hầm biệt thự như thế ở nhiều con phố, như: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Hàng Chuối, Điện Biên Phủ… về sau được chia cho cán bộ vào ở. Có thầy giáo toán ở trong căn hầm góc đường Lê Thánh Tông - Trần Hưng Đạo suốt mấy chục năm liền cho đến tận khi được nhà nước phong hàm giáo sư. Nhiều nhà cửa, công sở ở khu vực phố Tây cũng có những căn hầm rộng rãi nhưng phần lớn không sử dụng. Chúng chỉ có một tác dụng duy nhất là hệ chịu lực móng của ngôi nhà bên trên. Toàn bộ cửa xuống hầm được xây bịt kín. Đó cũng chính là những nơi đánh thức trí tò mò của lũ trẻ nhiều nhất. Phải là những đứa gan dạ, liều lĩnh mới dám mò vào khám phá. Những vòm cuốn xây gạch đỏ mờ ảo trong ánh sáng ma quái đầy bất ngờ của hầm Nhà hát Lớn, hầm rạp Công Nhân, hầm giảng đường Trường Mỹ thuật, Trường Đại học Tổng hợp như những hang động kỳ vĩ ngay trong lòng thành phố.

Chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra năm 1964. Người Hà Nội rục rịch đi sơ tán. Vẫn còn một bộ phận phải bám thành phố để sản xuất và chiến đấu. Người ta cho xây hầm trú ẩn công cộng ở khắp các vườn hoa, ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Hầm xây gạch nửa chìm nửa nổi. Đắp ụ đất cao trên nóc. Những chiếc hầm cá nhân gọi là tăng-xê đào khắp trên các vỉa hè. Có hẳn những xưởng đúc ống hầm nằm ở mạn bờ sông và vườn hoa Cổ Tân. Hầm tăng-xê đặt hai ống có chiều sâu khoảng 1,6m. Còi báo động nổi lên, người đi đường có thể nhảy xuống tự tay kéo chiếc nắp xi măng khoét lỗ đậy lên. Hầm này không chịu được bom nhưng ngăn chặn khá hiệu quả những mảnh đạn pháo rơi như vãi trấu. Hầm lớn ở bờ hồ Hoàn Kiếm và công viên chứa được nhiều người hơn. Có hôm báo động gặp ở trong ấy cả những ông đang cắt tóc dở trên đường Lê Thái Tổ khoác nguyên tấm vải trắng chạy xuống. Mặt còn bôi xà phòng cạo râu trắng hếu.

Hết chiến tranh, năm 1973, trẻ con đi sơ tán về. Nhiều đứa lạ lẫm với những căn hầm kiên cố xây khắp quanh hồ Hoàn Kiếm. Lúc này hầm không còn sử dụng nữa. Người ta cũng bỏ hoang không quét dọn. Nó nhanh chóng trở thành những toilet công cộng bốc mùi. Cũng phải đến sau năm 1975, những căn hầm này mới được dỡ bỏ. Thế nhưng, nghề đúc ống hầm cá nhân vẫn hoạt động bình thường. Những nắp hầm mới đúc chưa khô ở vườn hoa Cổ Tân trở thành những cái mâm bất đắc dĩ cho đám bia bọt ngoài ấy. Hàng bia hơi này không có bàn ghế. Dân lao động và cả những người nổi tiếng tập trung đông đảo mỗi chiều. Lúc ấy, Hà Nội thiếu nước sạch nghiêm trọng. Nước máy chỉ còn đủ để nấu ăn. Ống hầm đúc ra bán cho các gia đình đào giếng.

Giờ thì những cái giếng ống hầm cá nhân ở Hà Nội hầu như đã lấp đi hết. Đất đai đắt đỏ, cũng hầu như không còn căn hầm nào trong các biệt thự phố bỏ không nữa. Chủ nhà cải tạo nó thành những diện tích hữu dụng. Ở những công trình lớn, căn hầm cũ được tu sửa để mở nhà hàng, quán nhậu. Hầm rạp Công Nhân và hầm ngôi nhà cuối phố Hàn Thuyên gần cây xăng là những quán bia như thế. Hầm biệt thự trong khuôn viên Triển lãm Vân Hồ cũng mở nhà hàng. Hầm Nhà hát Lớn về sau còn mở một nhà hàng rượu vang rất xa hoa sang trọng. Không phải người Hà Nội nào cũng có đủ tiền để ăn nhậu ở đấy.

Những công trình cao tầng mới xây đều có ít nhất một tầng hầm làm chỗ để xe. Các nhà đầu tư không bỏ lỡ cơ hội bán một chỗ để xe như thế với giá tiền bằng một chiếc ô tô hạng sang. Hầm của khu chung cư cao cấp thường có đến 3 tầng rộng mênh mông. Tầng thứ nhất thường là siêu thị lớn. Các tầng dưới để xe. Người lạ để xe máy trong ấy có khi tìm hàng giờ mới thấy chiếc xe của mình.

Không chỉ có hầm dưới chân các tòa nhà, Hà Nội và các thành phố lớn bây giờ còn có cả hầm đường bộ...

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục