Hầm nối đôi bờ…

Chiến tranh qua đi, lãnh đạo TPHCM dồn sức chăm lo cho 4,5 triệu dân. Trước bình minh cuộc đổi mới, lãnh đạo TP từng có lần thân chinh rời nhiệm sở đi chạy gạo, lo thực phẩm cho dân. Đến những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ 20, nền kinh tế dần ổn định, việc ở và đi lại mới chính thức đặt ra. Ngày 21-6-1997, báo chí đưa tin: Sẽ có một đường hầm dưới dòng sông Sài Gòn, nhưng còn những băn khoăn khi người qua lại phà Thủ Thiêm có đến 60% đi bằng xe đạp, chính quyền TP đang đứng trước 5 phương án đường vượt sông Sài Gòn…
Hầm nối đôi bờ…

Chiến tranh qua đi, lãnh đạo TPHCM dồn sức chăm lo cho 4,5 triệu dân. Trước bình minh cuộc đổi mới, lãnh đạo TP từng có lần thân chinh rời nhiệm sở đi chạy gạo, lo thực phẩm cho dân. Đến những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ 20, nền kinh tế dần ổn định, việc ở và đi lại mới chính thức đặt ra. Ngày 21-6-1997, báo chí đưa tin: Sẽ có một đường hầm dưới dòng sông Sài Gòn, nhưng còn những băn khoăn khi người qua lại phà Thủ Thiêm có đến 60% đi bằng xe đạp, chính quyền TP đang đứng trước 5 phương án đường vượt sông Sài Gòn…

Vùng đất Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã có tên trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975. Hơn 30 năm sau, kỹ sư trong và ngoài nước lại chọn Nhơn Trạch làm nơi xây bể đúc hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Kỹ sư trưởng Nguyễn Đỗ cho biết, đây là công trình siêu trường siêu trọng, phải lai dắt trên sông mới kéo lên được. Do đó cần phải có một khu đất lớn (7,5ha trong diện tích 25ha thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và dòng sông đủ rộng.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn

Đầu tiên là đắp một con đê dài 350m, đóng 2 lớp cừ thép cao hơn mực nước cao nhất của sông Lòng Tàu 1m để ngăn chặn nước. Bể sâu 10m, đáy bể kiên cố chịu được áp lực 2,5kg/cm³. Trước khi đổ mẻ bê tông đầu tiên, đích thân Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua đi thuyền ra bể, trèo vào trong hầm sâu 10m, tay sờ tận nơi, vì khuôn mẫu có tốt mới bảo đảm sản phẩm làm ra tốt. Sản phẩm làm ra là 4 đốt hầm, mỗi đốt dài 92,4m, rộng 33,2m, cao 9m, thành hầm dày 1,2m, nặng 27.000 tấn.

Mỗi đốt hầm có 2 ngăn, mỗi ngăn có 8 bể chứa và hệ thống tự động bơm nước vào, xả nước ra. Vật liệu xi măng làm ra bê tông nhưng là loại tỏa nhiệt. Nước trộn bê tông là đá lạnh bào nhỏ thay nước thường để bảo đảm khối bê tông luôn ở nhiệt độ dưới 240C. Bê tông đổ đến đâu, mái che đến đó, không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào dễ gây rạn nứt sau này (tức là làm cho bê tông khô trong mát).

Ngày 13-9-2007 là một ngày quan trọng của bể đúc Nhơn Trạch. Năm trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân được nhà thầu Nhật Bản Obayashi Corporation tuyển chọn chính thức bắt tay vào công việc đổ mẻ bê tông đầu tiên đúc đốt hầm thứ nhất vượt sông Sài Gòn. Sau hơn 9 tháng, 4 đốt hầm đã đúc xong đúng kỹ thuật. Sau hơn 1 năm chờ các đốt hầm khô và chỉnh sửa về kỹ thuật, đầu năm 2010 đưa các đốt hầm về vị trí nằm sâu dưới sông Sài Gòn và sẽ ở đó 100 năm sau theo độ bền thiết kế.

Khó hơn và hồi hộp đến ngộp thở là cuộc lai dắt “4 người khổng lồ” trên 22km đường thủy về vị trí dìm. Ngày 2-3-2010, sau khi nghe Ban dự án báo cáo, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu việc lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm phải thực hiện thành công và coi đây là nhiệm vụ quan trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật của TP. Ngành chức năng bố trí 11 chốt cảnh sát cơ động, dự phòng 5 điểm neo đậu khi có sự cố, lập 3 lớp ngăn chặn các tàu thuyền từ kênh rạch chạy ra, cấm tuyệt đối mọi phương tiện thủy hoạt động trong phạm vi đoàn lai dắt hầm đi qua.

Trước ngày lai dắt chính, Ban dự án tổ chức tổng diễn tập, lấy sà lan 500 tấn làm tình huống giả định. Cuộc diễn tập kết thúc sau gần 3 giờ lai dắt thử. Phương tiện lai dắt chính gồm: 4 tàu kéo thuê của Thái Lan, công suất 3.200 - 3.500 CV; 1 tàu dự phòng; 2 tàu đẩy cảnh giới; 5 ca nô cao tốc dẫn đường. Các tình huống trên sông đều được tính toán kỹ, kể cả trường hợp xấu nhất phải điều Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 2 can thiệp. Sau khi bộ phận chuyên môn “đi coi ngày” lai dắt là 7-3-2010 dù đó là chủ nhật, nhằm 22 tháng Giêng, Canh Dần, không thể ngày khác vì số liệu “coi ngày” cho biết dòng chảy khá ổn định từ 0,5 - 1m/giây, việc đi lại thuận tiện.

Sáng 7-3-2010, trời đất Nhơn Trạch bừng sáng. Hoa tiêu Bùi Hồng Cảnh, với 30 năm làm nghề đã vào vị trí tháp cao 26m trên đốt hầm. 100 người tháp tùng cũng đã sẵn sàng vị trí xuất phát trước giờ G. Khách mời đến đầy đủ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc dự án đọc lệnh xuất phát vừa dứt lời, vào lúc 7 giờ 40, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP, cho nổ phát súng lệnh giờ xuất phát lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm. Vượt 22km đường sông, lúc 13 giờ 30, đốt hầm Thủ Thiêm về vị trí an toàn cách bờ phía Thủ Thiêm 20m. Bầu trời, mặt đất TPHCM, cùng hàng ngàn trái tim đôi bờ sông nước vỡ òa niềm sung sướng hân hoan mừng đón sự kiện chưa từng có của TP hơn 300 năm tuổi.

Theo kế hoạch, ngay ngày hôm sau, đốt hầm sẽ dìm xuống sông Sài Gòn. Các đốt hầm tiếp theo lai dắt về đến đâu sẽ dìm ngay đến đó. Các đốt hầm dìm ở độ sâu dưới đáy sông Sài Gòn 12m. Thế là cần đào dưới đáy sông khoảng 420.000m3 đất và bùn để làm “nơi ở” cho 4 đốt hầm sau khi kết nối kể cả các ron dài 370m.

Theo kỹ sư trưởng phụ trách công trình, dìm hầm phải trải qua 20 công đoạn phức tạp. Đầu tiên là bơm nước vào đốt hầm. Thứ 2 là dùng tời (lắp đặt sẵn) kéo đốt hầm vào phía đường dẫn; thứ 3, tiếp tục bơm nước vào; thứ 4, hạ đốt hầm xuống 3m. Những bước tiếp theo cân chỉnh độ dốc đốt hầm nghiêng 3,99% theo hướng đường dẫn phía bờ Thủ Thiêm. Bước 6 - 7, tiếp tục hạ đốt hầm xuống sâu thêm 6m (mỗi lần hạ dìm 3m). Thứ 8, kéo tiếp đốt hầm vào 3m; thứ 9, hạ dìm thêm 1m; thứ 10, kéo đốt hầm vào miệng hầm đường dẫn khoảng cách lúc này còn 0,6m; bước tiếp theo hạ xuống còn 0,6m (độ cao điểm cuối cách đáy hầm). Bước 12, hạ đốt hầm xuống giá đỡ hầm dẫn (làm bằng thép chuyên dụng, cực kỳ cứng).

Sang bước thứ 13, kéo đốt hầm sát vào bên trong cửa hầm đường dẫn và xử lý cân chỉnh đốt hầm, kiểm tra toàn bộ hệ thống kỹ thuật. Sau việc kiểm tra hoàn tất, bước tiếp theo là bơm nước trong mối nối ra ngoài; bước 15, mở cửa hầm; bước 16, nối dây kích thủy lực ở phía bờ sông. Những bước tiếp theo vào kiểm tra bên trong đốt hầm, kích đốt hầm vào vị trí cuối cùng, bơm thêm nước và bước cuối cùng là đóng cửa đốt hầm bằng thép.

8 giờ ngày 8-3-2010, tại vị trí dìm hầm Thủ Thiêm, trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP và đông đảo người dân, 300 người kỹ sư trong nước và nhà thầu Nhật Bản thao tác dìm đốt đầu tiên hầm Thủ Thiêm. Sau 14 giờ 30 (khoảng 22 giờ 30) đốt số 1 hầm Thủ Thiêm đã được dìm đúng vị trí nối với đường dẫn phía Thủ Thiêm.

Sau khi lai dắt và dìm đốt hầm đầu tiên thành công, tại cuộc họp sơ kết, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân biểu dương Ban quản lý dự án và các cơ quan liên quan, yêu cầu tiếp theo cần bổ sung các trường đại học, hội khoa học, nhất là Trường ĐH Giao thông Vận tải để trao đổi kinh nghiệm. Ngày 5-4-2010, lai dắt đốt 2. Đến tháng 6-2010, toàn bộ 4 đốt hầm đã được lai dắt và dìm thành công đúng kế hoạch. Đốt cuối cùng quá trình dìm khó khăn nhất, phải bảo đảm độ chính xác đến từng xăngtimét nối vào đường dẫn phía quận 1.

Ngoài số người học từ thực tế, TP tổ chức đào tạo hơn 100 nhân viên chuyên sâu vận hành các máy móc thiết bị phục vụ hầm như các hệ thống chiếu sáng, chống cháy nổ, thông gió, hút ẩm, cấp nước, bơm nước, thông tin liên lạc báo động và những bộ phận tự động đo tiếng ồn, độ ẩm, khói bụi, đặt các camera, kiểm tra đường thoát hiểm. Cuối tháng 8-2010, UBND TP chấp nhận phương án lắp đặt hệ thống phủ sóng thông tin di động trong hầm Thủ Thiêm phục vụ cho người tham gia giao thông khi qua hầm.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nối quận 1 với quận 2 TPHCM đã được sinh ra như thế. Hầm dài 1.490m, độ dốc 4%, được phép lưu thông hai chiều, mỗi bên 3 làn xe và 1 đường thoát hiểm. Toàn bộ công trình trị giá hơn 2.200 tỷ đồng.

Năm 2011, TP ban hành các quy định nghiêm ngặt bảo đảm an toàn giao thông trong hầm Thủ Thiêm. Đặc biệt, trước cột mốc lịch sử khánh thành, ngày 10-11-2011, ngành chức năng TP quy định rõ 7 đối tượng không được lưu thông trong hầm Thủ Thiêm gồm: “Người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe cơ giới không có bộ phận giảm thanh hoặc có những không đúng quy chuẩn kỹ thuật, xe 2 bánh xích, xe vận chuyển súc vật sống không bảo đảo an toàn vệ sinh môi trường và xe vận chuyển hàng hóa độc hại, chất dễ cháy, chất nổ, hàng nguy hiểm”. Ngày 20-10-2011, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì tổng diễn tập phương án chữa cháy, cứu hộ trong hầm, có 500 người tham gia.

Sự kiện ngày 13-11-2011, TP tổ chức cho 2.500 đoàn viên, thanh niên được tham quan đầu tiên công trình tầm cỡ nhất nhì Đông Nam Á, tỏ rõ sự quan tâm của Đảng, chính quyền TP với thế hệ trẻ giường cột đất nước.

Ngày 20-11-2011, chính thức khánh thành hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông Tây. Trước đại biểu khách mời trung ương, TP và hàng ngàn người dân, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân báo cáo: “Từ năm 2000, công tác đền bù giải tỏa và tái định cư các hộ dân, thành phố đã chắt chiu từ nguồn vốn ngân sách có hạn của các quận, huyện để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tái định cư của hơn 11.000 hộ dân, khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.

Qua 10 năm thực hiện dự án đã sử dụng khoảng 61.000 tấn thép, 450.000m³ bê tông chất lượng cao, đào đắp 3.000.000m³ đất, xây dựng hơn 1.000.000m² mặt đường. Có hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư công nhân và hàng ngàn lao động tham gia thực hiện với 5,1 triệu ngày công lao động, trên 400 chuyên gia trong nước và quốc tế với gần 7.500 ngày công nghiên cứu thiết kế dự án…”.

Cảm động nhất đêm khánh thành, trong dòng người như vô tận đi bộ dưới hầm, có không ít người nước mắt rưng rưng. Một cụ bà được con dìu đi từ chiều, tay run run sờ thành hầm, lời nói đứt quãng: “Đời tôi nay có về với tiên tổ không còn gì tiếc nữa! Cái hầm nối đôi bờ đây rồi!”. Vị cựu chiến binh ngước mắt nhìn bộ máy thông gió, xúc động quả quyết: “Có ngày chiến thắng 30-4-1975 mới có được đường hầm vượt sông hôm nay”.

Nhiều người lính miền Đông Nam bộ hồi đó chưa biết TP, nhưng đã thuộc lòng từng bến nước nơi thượng nguồn sông Sài Gòn và có lần vượt sông, máu đã đổ hòa vào sông nước. Nay hầm vượt sông như một biểu cảm nghẹn ngào thiêng liêng…

NGUYỄN THẾ KỶ (Quận Tân Phú, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục