Hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Chính sách phải phù hợp

Hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Chính sách phải phù hợp

“Đến năm 2050, nhiệt độ tại Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 1,5 - 2°C. Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ảnh hưởng đến những ngành dễ tổn thương như nông nghiệp và cơ sở hạ tầng”. Đó là một trong những kết quả của nghiên cứu về “Tác động của BĐKH tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Đại học Copenhaghen và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới công bố mới đây. Nghiên cứu trên được thực hiện trong 2 năm 2010-2011 với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch.

Thiệt hại có thể lên đến 40 tỷ USD

Theo Giáo sư Channing Arndt (Trường đại học Copenhagen), mặc dù Việt Nam đã có chiến lược ứng phó với BĐKH nhưng chiến lược này chưa nghiên cứu sâu về ảnh hưởng tổng thể của BĐKH tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Kịch bản gốc đưa ra khung tăng trưởng và những thay đổi cơ cấu kinh tế hợp lý từ năm 2007 đến năm 2050, thể hiện xu thế phát triển, chính sách và những định hướng ưu tiên trong trường hợp không có BĐKH. Chính vì thế, để ước tính được chi phí kinh tế của BĐKH, bản báo cáo đã so sánh kết quả các kịch bản BĐKH với kịch bản gốc.

Hạ tầng giao thông sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: HUY ANH

Hạ tầng giao thông sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: HUY ANH

Nghiên cứu được phân tích trên cơ sở lồng ghép các dự báo của 56 kịch bản về tác động của BĐKH tới tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam từ nay tới năm 2050. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu này đã ước tính được chi phí kinh tế của BĐKH. Cụ thể, với nhiệt độ của Việt Nam tăng lên khoảng 1,5 - 2°C, tuy không nhiều nhưng cũng phần nào tác động đến quá trình tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam.

Nghiên cứu này cho thấy, thiệt hại do BĐKH trong giai đoạn 2007 - 2050 tại Việt Nam được ước tính trung bình khoảng 8 - 21 tỷ USD nếu tính theo thời giá năm 2007, trong trường hợp xấu nhất có thể lên đến 40 tỷ USD.

Giáo sư Channing Arndt cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ BĐKH. Mặc dù vậy, với xu thế tỷ lệ đóng góp trong nền kinh tế ngày một giảm và chỉ còn chiếm 7% - 8% GDP trong giai đoạn 2046 - 2050, nên tác động của BĐKH trong nông nghiệp cũng không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, lượng mưa tăng sẽ làm đường sá xuống cấp. Nhiệt độ tăng trong khi đường trải nhựa hiện tại được thiết kế để chịu ngưỡng nhiệt độ thấp, nên ảnh hưởng của BĐKH sẽ làm tăng chi phí duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng đường.

Ngoài ra, nhiệt độ tăng lên cũng sẽ làm cho nguồn lực đầu tư mới vào đường giao thông nhiều hơn, bảo dưỡng đường cũ bị giảm đi. Đồng thời, sự gia tăng của các cơn bão cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,4% hàng năm thì tốc độ tăng trưởng khi bị tác động bởi bão có thể vào khoảng 5,32% - 5,39%. Còn kịch bản nước biển dâng cho thấy tác động nhẹ nhất nhưng cũng khiến GDP giai đoạn 2046 - 2050 giảm 0% - 2,5%.

“BĐKH sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng sau năm 2050, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam thiếu những chính sách nhằm giảm thiểu và thích ứng với những BĐKH trong giai đoạn từ nay tới năm 2050” - Giáo sư Channing Arndt khuyến cáo.

Giảm thiệt hại nếu chính sách thích ứng phù hợp

Nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động từ BĐKH, ông H.E. John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cũng cho biết, Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ BĐKH để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn, hạn chế những cản trở của BĐKH đến sự tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các số liệu ước tính về giá trị thiệt hại cho thấy tác động của BĐKH rất lớn. Tuy nhiên, từ những phân tích lồng ghép kết quả của 56 kịch bản BĐKH đối với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng có thể hạn chế được tối đa thiệt hại nếu có chính sách thích ứng phù hợp.

Liên quan đến vùng được xem là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH là đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Finn Tarp, Trường đại học Copenhagen, khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần tính đến việc di dời các hoạt động kinh tế tới vùng đất cao nhằm ứng phó dần với tác động nước biển dâng do BĐKH. “Chi phí di dời khá lớn nên Việt Nam có thể triển khai dần và cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong 10 năm tới. Những chính sách phù hợp của Chính phủ để thích ứng với BĐKH có thể giúp giảm thiểu những rủi ro, tổn thất này” - Giáo sư Finn Tarp góp ý.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số khuyến nghị trong những hành động chính sách nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH, bao gồm: đầu tư vào hệ thống thông tin để theo dõi tác động của BĐKH như nâng cao hệ thống thông tin địa lý, tập trung vào dữ liệu độ cao so với mặt nước biển đối với những tỉnh có độ cao thấp; phát triển đa dạng hóa cây trồng chịu nhiệt, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; thay đổi tiêu chuẩn thiết kế cơ sở hạ tầng để đối phó với sự thay đổi thường xuyên của khí hậu và thời tiết nóng lên… 

HÀ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục