Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất với UBND TPHCM một số giải pháp hạn chế xe cá nhân. Trong đó, ngoài tiền mua xe, mua bảo hiểm và các loại thuế, phí…, chủ sở hữu phương tiện sẽ phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ, nhiều ý kiến người dân vẫn băn khoăn trước đề xuất này.
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
- PHÓNG VIÊN: Bộ GTVT đã nhiều lần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân nhưng mỗi lần đưa ra đều chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Có ý kiến cho rằng, hạn chế phương tiện cá nhân là một việc khó và Bộ GTVT đã “đá” quả bóng này về địa phương khi giao cho các TP tự xem xét, đề xuất và quyết định phương án?
>> Thứ trưởng NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG: Trước hết, phải khẳng định rằng, hạn chế phương tiện cá nhân là vấn đề mà hầu hết các nước đều phải đặt ra để đảm bảo môi trường đi lại bình thường trong đô thị, đảm bảo môi trường sinh thái. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, phương tiện cá nhân đang tăng lên nhanh chóng, nếu không có biện pháp hạn chế sẽ trở nên quá tải đối với hạ tầng giao thông hiện có, hệ lụy của nó là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Từ nhiều năm trước, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các phương án nhằm hạn chế phương tiện cá nhân ở những đô thị lớn. Trong quá trình nghiên cứu, với sự góp ý của người dân và các cơ quan hữu quan, Bộ GTVT nhận thấy việc hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết nhưng hạn chế như thế nào cần phải có lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng đô thị, liên quan tới chính sách đầu tư phát triển giao thông công cộng của đô thị đó, nhất là cần sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã được thay thế bằng đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải. Trong đó, Bộ GTVT đã đề xuất để các địa phương chủ động nghiên cứu những phương án, lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Có như vậy thì các phương án đưa ra mới sát với thực tế, không bị duy ý chí.
- Thế nhưng người dân cho rằng những đề xuất mà Sở GTVT TPHCM vừa đưa ra vẫn giống như những nội dung mà Bộ GTVT đã đề xuất trước đó, nghĩa là vẫn nặng về các giải pháp hành chính chứ không phải là những biện pháp kỹ thuật nhằm cải thiện thực trạng giao thông?
Quan điểm của Bộ GTVT là hạn chế phương tiện cá nhân phải song hành với việc phát triển giao thông công cộng, nghĩa là phải luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, muốn giảm phương tiện cá nhân, chính quyền đô thị phải đồng thời xây dựng được lộ trình nâng cấp hạ tầng, phát triển giao thông công cộng. Nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng đủ thì phải để phương tiện cá nhân phát triển ở một mức độ nào đó, hay nói cách khác, năng lực vận tải của phương tiện công cộng tăng lên bao nhiêu thì phương tiện cá nhân có thể được giảm đi bấy nhiêu. Với TPHCM, bên cạnh những đề xuất về hạn chế phương tiện cá nhân, đề án phát triển giao thông công cộng đến năm 2025 của TP cũng đã được xây dựng với những mục tiêu, lộ trình cụ thể.
- Nhưng với thực trạng giao thông công cộng hiện có, liệu những giải pháp mà Sở GTVT TPHCM đưa ra có phải là quá sớm?
Những đề xuất mà Sở GTVT TPHCM vừa đưa ra mới chỉ là với tư cách cơ quan tham mưu, muốn thực hiện được thì phải thông qua HĐND TP xem xét, quyết định, trên cơ sở lợi ích hiện tại của người dân và giá trị lợi ích lâu dài của cộng đồng trong đô thị. Người dân phải đồng thuận mới thực hiện được.
Xe cá nhân nhiều dễ gây ùn tắc giao thông như thế này. Ảnh: ĐỨC TRÍ
- Vậy theo ông, làm thế nào để việc hạn chế phương tiện cá nhân được thực hiện sớm và thuận lợi?
Như tôi đã nói, việc hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết, là xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại, thực hiện được càng sớm càng tốt. Vấn đề là chính quyền các đô thị phải nghiên cứu đưa ra một lộ trình thích hợp, tương ứng với lộ trình phát triển giao thông công cộng. Về phía người dân, ngoài việc chấp hành luật lệ cũng cần nâng cao ý thức, chia sẻ khó khăn với chính quyền, cùng chung sức xây dựng đô thị. Điều quan trọng là chính quyền các địa phương cũng phải tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ mục tiêu phát triển đô thị, hiểu rõ những lợi ích mà họ được hưởng khi có một đô thị văn minh, giao thông thuận lợi an toàn và môi trường trong lành trong tương lai, đồng thời hiểu rõ nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải cam kết rõ ràng về lộ trình phát triển giao thông công cộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cần hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn cho người dân khi chuyển đổi từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
- Xin cảm ơn ông!
| |
BÍCH QUYÊN (thực hiện)
Diễn đàn xã hội tham gia tuyên truyền về an toàn giao thông
(SGGP).- Ngày 11-1, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã ký kết chương trình phối hợp hành động với diễn đàn xã hội Otofun với mục tiêu tuyên truyền ATGT.
Diễn đàn Otofun (Otofun.net) là mạng xã hội đầu tiên ở Việt Nam tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT. Ngay sau lễ ký kết, tất cả thành viên của diễn đàn Otofun đã cùng nhau dán lên xe khẩu hiệu của chương trình phối hợp: “Đi đúng làn, ngập tràn hạnh phúc” và “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Với hơn 250.000 thành viên, trong đó tập hợp đông đảo công viên chức, các doanh nhân, sinh viên…, Otofun được đánh giá là mạng xã hội có tầm ảnh hưởng rộng, có nhiều hoạt động giúp các thành viên nâng cao ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông. Đây cũng là địa chỉ cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm trật tự ATGT, các vấn đề bất cập trong tổ chức giao thông cho các cơ quan chức năng.
Thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho biết, trong tháng 1-2015 sẽ tiếp tục ký kết tương tự với diễn đàn Otosaigon, một diễn đàn có đông đảo thành viên ở khu vực phía Nam.
BÍCH QUYÊN
Đầu tư 23 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG
(SGGP).- Sở GTVT TPHCM cho biết, nhằm thực hiện chủ trương của UBND TP về phê duyệt đề án đầu tư xe buýt tại TP giai đoạn 2014 - 2017, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Theo đó, sở vừa thống nhất chủ trương cho Hợp tác xã vận tải 19/5 đầu tư 23 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG để thay thế các xe buýt cũ còn lại đang hoạt động trên tuyến 33 (Bến xe An Sương - Đại học Quốc gia).
Một số xe buýt TPHCM sử dụng khí CNG. Ảnh: CAO THĂNG
Ngày 11-1, trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Hợp tác xã vận tải 19/5 cho biết, số xe trên sẽ do Tổng Công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn TNHH Một thành viên (Samco) sản xuất theo đề án đầu tư 300 xe buýt nhiên liệu sạch của UBND TP với trị giá mỗi xe là 2,75 tỷ đồng. Theo dự kiến, vào tháng 7, 8-2015, phía Samco sẽ giao số xe trên cho hợp tác xã đưa vào khai thác.
ĐÌNH LÝ