Hạn chế sử dụng túi ni lông

Theo nhiều nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới vài thế kỷ mới phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. 
Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng; từ đó làm cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.
Trong thực tế, nhiều loại túi ni lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất nên khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập cơ thể con người, gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Túi ni lông làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng, dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi ni lông còn gây mất mỹ quan và cảnh quan. 
Ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi ni lông trong các hoạt động sinh hoạt xã hội; chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng rất phổ biến. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng túi ni lông được sử dụng ở Việt Nam nhưng chắc chắn con số này không nhỏ.
Nhiều nước trên thế giới đã và đang có rất nhiều giải pháp để hạn chế sử dụng túi ni lông. Đơn cử, ở một số nước châu Âu, bên cạnh những giải pháp kinh tế, hành chính nhằm hướng tới việc hạn chế sử dụng túi ni lông, còn có các phong trào tự nguyện hạn chế sử dụng túi ni lông trong giới trẻ. Họ tự đem túi thân thiện với môi trường đi chợ, đem ly mua cà phê thay vì mua luôn cả ly nhựa ở quán cà phê…
Những việc đó có thể rất nhỏ nhưng tác động đến giới trẻ rất lớn… Thậm chí, nhiều nơi còn hình thành cả một phong cách sống thân thiện với môi trường, hạn chế phát thải, hạn chế sử dụng túi ni lông trong giới trẻ. 
Việt Nam có rất nhiều tổ chức đoàn, hội có thể thu hút thanh niên tham gia các trào lưu này. Do vậy, nên chăng các hội, đoàn phối hợp cùng nhau vận động thanh niên tham gia vào các hoạt động đầy ý nghĩa này.
Các hoạt động này nên được tiến hành thường xuyên, liên tục và đa dạng. Trước hết, có thể bắt đầu từ những đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh… Nội dung hoạt động cần phù hợp với giới trẻ như tạo ra phong cách trong ăn, mặc vui, chơi thân thiện với môi trường; tạo xu hướng những người hiện đại là những người biết bảo vệ môi trường, biết sử dụng túi ni lông một cách khoa học… Thậm chí, nếu được có thể làm phim, viết truyện, viết kịch… hướng người đọc, người xem tới những vấn đề về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông.
Rất mong có một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng như vậy để bảo vệ môi trường ở TPHCM, nhất là khi TPHCM được dự báo là một trong những thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục