Đô thị hóa – công nghiệp hóa

Hạn chế tác động xấu để phát triển bền vững

Xáo trộn dân cư, ô nhiễm: hệ quả của ĐTH-CNH
Hạn chế tác động xấu để phát triển bền vững

Tại cuộc Hội thảo “Tác động của Đô thị hóa- Công nghiệp hóa đến đất đai, việc làm và môi trường sinh thái” do Cơ quan đại diện phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Những vấn đề phát triển (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) tổ chức vừa qua cho thấy việc đô thị hóa - công nghiệp hóa (ĐTH-CNH) đã mang lại nhiều lợi ích cho toàn dân nhưng cũng không ít hệ lụy.

Xáo trộn dân cư, ô nhiễm: hệ quả của ĐTH-CNH

Hạn chế tác động xấu để phát triển bền vững ảnh 1

Tác động xấu đến môi trường sinh thái là một trong những hệ quả của ĐTH-CNH. Ảnh: C.T.V

ĐTH – CNH góp phần tăng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì nảy sinh không ít tiêu cực. Việc thu hồi đất cho ĐTH – CNH đã giảm diện tích đất nông nghiệp, nhiều nông dân khó kiếm việc làm nên kéo giảm mức tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn, quá trình phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng. Quá trình ĐTH – CNH mạnh cũng khiến những thành phố lớn trở thành điểm nóng nhập cư ồ ạt.

Vì thế quản lý hành chính gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội nảy sinh. Chính việc thu hồi đất đã diễn ra tình trạng khiếu kiện triền miên của nhân dân. Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2005, tổng số trường hợp khiếu nại, tố cáo về tranh chấp đất đai trên cả nước gần 18.000 trường hợp. Trong đó có tới 70% là khiếu kiện về giá đất tính bồi thường thấp so với giá thị trường. Cùng với đó là tình trạng tham nhũng trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng diễn ra khá phổ biến.

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt quanh các bãi rác cũng là một trong những mặt tiêu cực của quá trình ĐTH – CNH. Ô nhiễm mặt nước đang ở mức trầm trọng và là yếu tố nguy hại, trực tiếp và cấp bách nhất đến sức khỏe của cư dân. Nhiều nơi, nước ngầm ở độ sâu 40m-50m đã bị ô nhiễm, nước mặt kênh chỉ thấy màu đen, mùi hôi thối nồng nặc. Không khí quanh vùng bị ô nhiễm nặng, nạn ruồi muỗi hoành hành, sức khỏe người dân bị đe dọa nghiêm trọng...

Giải pháp nào tháo gỡ?

Theo GS-TS Đặng Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, Nhà nước cần đưa giá đền bù đất gần sát với giá thị trường. Trong chính sách đền bù cần quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân trước khi thu hồi đất... Người dân và các tổ chức xã hội cần được góp ý để các phương án đền bù, hỗ trợ khi mất đất được thực hiện công khai, minh bạch. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai, cho rằng với những công trình công cộng, Nhà nước nên quy định giá đền bù hợp lý, còn đối với những dự án đầu tư nhỏ thì để người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhấn mạnh đến vấn đề cần quan tâm trước tiên đó là quy hoạch. Bởi chính quy hoạch mới dẫn đến việc ĐTH – CNH. Hiện nay, nước ta chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch mà vẫn để các chủ dự án tự lên kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, việc quy hoạch của từng ngành cũng chưa có sự gắn kết, gây nên tình trạng chồng chéo, phát triển đô thị không như mong muốn. Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Tiến Dũng, Phân viện trưởng Phân viện Bảo hộ lao động, cho rằng cần hạn chế đến mức tối đa hiện tượng “quy hoạch treo”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, đề nghị phải kiên quyết loại bỏ tình trạng lợi dụng quy hoạch để lấy đất nông nghiệp phục vụ cho các mục đích không chính đáng khác, dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ không, trong khi dân không có đất sản xuất. Ngoài ra, việc chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm. Đối với ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp xử lý triệt để và quản lý chặt chẽ các bãi rác thải đô thị.

Hân Ngọc

Tin cùng chuyên mục