Hạn chế thấp nhất bức xúc dư luận

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Kiên Giang, nhận xét công tác tham mưu chính sách ở một số bộ, ngành còn hạn chế, tham mưu chưa bám vào tình hình thực tiễn để xây dựng chính sách; thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền chậm, kéo dài... gây bức xúc trong dư luận xã hội.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Kiên Giang
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Kiên Giang

Kết thúc 1,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội lần này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 77 đại biểu đăng đàn, 9 ý kiến tranh luận; còn 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 4 bộ trưởng: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư trình bày trước Quốc hội.

Tham mưu kém gây bức xúc dư luận

Dù chiều 30-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu giải trình với Quốc hội về vấn đề giá điện, nhưng trong buổi thảo luận sáng 31-5, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Bé, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Kiên Giang, tiếp tục có ý kiến về vấn đề này. ĐB nhận xét công tác tham mưu chính sách ở một số bộ, ngành còn hạn chế, tham mưu chưa bám vào tình hình thực tiễn để xây dựng chính sách; thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền chậm, kéo dài... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Dẫn chứng cho việc tham mưu chưa sát, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nhắc tới việc tham mưu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nước mắm làm dư luận xôn xao, báo chí tốn giấy mực phân tích, Chính phủ phải vào cuộc thì mới lắng xuống. Rồi dự kiến xử phạt sinh viên nếu có 4 lần mua bán dâm. Hay như việc hành vi cưỡng hôn trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng khiến dư luận không hài lòng. Giải quyết xử lý BOT chậm chạp. Gần đây nhất là việc tăng giá điện.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân là tham mưu thời điểm tăng giá điện không phù hợp; người dân cho rằng phải xem lại cách tính giá điện bậc thang, biểu giá điện... Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát, xem xét lại công tác tham mưu chính sách, hạn chế thấp nhất bức xúc dư luận”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nói.

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề cập tới các loại tội phạm bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em xu hướng gia tăng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Theo ĐB Bạch Thị Hương Thủy, nạn nhân của loại tội phạm này thường không có khả năng tự bảo vệ, nhỏ tuổi, có những vụ án sau khi thực hiện hành vi đồi bại, kẻ phạm tội còn đánh đập nạn nhân, giết người phi tang. Hậu quả của loại tội phạm này hết sức nặng nề cho gia đình bị hại và nạn nhân. Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì 60% trẻ em sau các vụ xâm hại tình dục bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, luôn mặc cảm, lo sợ và xa lánh mọi người. Vì vậy, ĐB Bạch Thị Hương Thủy đề nghị Chính phủ cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, kiên quyết với loại tội phạm nêu trên.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn giao thông ở ĐBSCL

ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng Chính phủ cần kịp thời, đồng bộ hơn nữa trong phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là vùng ĐBSCL.

Còn theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), chính quyền và người dân khu vực ĐBSCL kỳ vọng vào một kịch bản tác động tích cực đến sự phát triển của vùng. Tuy nhiên, vấn đề triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu còn diễn ra chậm. Vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, triển khai chậm những dự án hạ tầng giao thông ngày càng bộc lộ rõ những cản trở đối với sự phát triển của vùng. Tình hình tắc nghẽn giao thông cùng với việc vận chuyển hàng hóa nông thủy sản từ ĐBSCL đến TPHCM bị tăng chi phí thêm 20USD/tấn hàng đang tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân.

“Chính phủ cần sớm có các biện pháp chỉ đạo và triển khai với quyết tâm cao nhất để hoàn thành tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đúng theo kế hoạch và kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong kỳ họp này”, ĐB Nguyễn Thanh Xuân đề nghị. Đây cũng là ý kiến của ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng).

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đầu tư nguồn lực cho ĐBSCL. Chính phủ đã bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm và nguồn dự phòng chung của cả nước, các ngành cũng đã bố trí đầu tư rất nhiều cho ĐBSCL. Nhưng đối với vùng này, hiện nay giao thông đang là vấn đề lớn nhất, đang là điểm nghẽn.

Rà soát kỹ các luật để “tương thích” với CPTPP

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Đề cập tới dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng như nhiều ĐB cho rằng một số nội dung nêu ra trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ so với các nội dung được quy định trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực vẫn còn khoảng trống, chưa tương thích.

Theo ĐB Dương Minh Tuấn, trong CPTPP quy định thì quyền sở hữu công nghiệp về các nhãn hiệu được bảo hộ bao gồm các dạng sở hữu có thể nhìn thấy, có thể nghe (âm thanh) và cả mùi hương. Thế nhưng, trong dự thảo này của chúng ta chỉ áp dụng với dạng có thể nhìn thấy (ví dụ như từ ngữ, hình ảnh). Điều này cho thấy, mặc dù có 3 cánh cửa nhưng chúng ta chỉ mới mở 1 cánh, còn 2 cánh kia vì sao không mở, để lộ kẽ hở như vậy?

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát, đánh giá lại các bộ luật và những nội dung, quy định, cam kết có liên quan tới 2 dự thảo luật này, nhất là những nội dung có liên quan đến các khung khổ hội nhập mà chúng ta đã tham gia, cam kết.

Tiếp thu, giải trình về những ý kiến các ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, ban soạn thảo đã làm việc rất kỹ, rà soát cẩn trọng các bộ luật, những nội dung có liên quan, nhất là 2 dự thảo này, đã đối chiếu không chỉ với CPTPP mà cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới (trong đó có CPTPP) và tới đây là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

“Về cơ bản, các nội dung của 2 dự thảo luật đã được cập nhật, chuẩn bị để có sự tương thích với các khung khổ hội nhập, các FTA thế hệ cao”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Tuy nhiên, sau phiên thảo luận này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát thêm để tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, đảm bảo sự khả thi và hiệu quả của dự án luật.

Các bộ trưởng giải trình

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư các BT (dạng hợp đồng xây dựng - chuyển giao) cần đảm bảo một số nguyên tắc và trong đó “ngang giá” là nguyên tắc hàng đầu. Tuy nhiên, một số hợp đồng BT được ký trước ngày luật có hiệu lực không đảm bảo nguyên tắc này. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. Nghị định cũng cần đảm bảo giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo thị trường. Thực tế vừa qua, đa số giá được xác định thấp hơn thị trường, trong khi đất có đặc điểm là tăng giá sau quá trình làm hạ tầng. Tình trạng này có nguyên nhân là phương pháp và tổ chức thực hiện xác định giá còn bất cập. Sau 10 lần báo cáo tiếp thu, giải trình, ngày 27-5, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ.

* Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng kể trong năm 2018 nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đang tồn tại hạn chế mà trong đó có những vấn đề đã tích tụ tồn đọng từ lâu, tác động và gây hậu quả tiêu cực, tạo nên bức xúc xã hội và không dễ một sớm một chiều khắc phục được ngay. Trong đó có hạ tầng giao thông hiện nay đang là điểm gây một số bức xúc với người dân và là điểm nghẽn phát triển của một số địa phương.  Cùng với đó, những hạn chế yếu kém về mặt văn hóa, con người đang cản trở sự phát triển của đất nước như tình trạng tha hóa về đạo đức, tệ nạn xã hội, những vi phạm trong một số lĩnh vực về xã hội mà nguyên nhân chủ yếu là sự chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính nghiêm minh khi thực thi pháp luật...

* Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Dịch tả heo châu Phi đã lan đến Việt Nam, trong khi đó ngành chăn nuôi heo nước ta chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị ngành nông nghiệp hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng thì chăn nuôi heo chiếm khoảng 90.000 tỷ đồng, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.

Đến nay, dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con heo (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn heo toàn quốc. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, nguy cơ tới đây lan rộng ra tất cả các tỉnh thành, ở cả hộ chăn nuôi lớn. Nhưng chúng ta còn 94% đàn heo sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch. Người dân không nên tăng đàn heo lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao; thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); gia cầm; thủy sản.

Tin cùng chuyên mục