Theo Đông y, bệnh tiểu đường còn có tên là tiêu khát vì người bệnh phần thì khát nước, phần thì càng lúc càng gầy mòn, suy nhược. Định nghĩa đó không còn hoàn toàn chính xác ở thế kỷ 21.
Theo thống kê ở nhiều nước châu Âu, có đến 2/3 người bệnh tiểu đường chẳng những không gầy mà còn dư cân, trong số đó hơn phân nửa thậm chí béo phì do rối loạn biến dưỡng chất béo chiếm ưu thế hơn tiến trình thoái biến của bệnh tiểu đường. Đó chính là điểm gút mắc vì bệnh tiểu đường nặng hay không là do hậu quả của tình trạng tăng chất mỡ trong máu.
Hiện trạng trên không có gì khó hiểu khi chế độ dinh dưỡng của đa số cư dân chốn thị thành, đặc biệt ở các thành phố công nghiệp và các quốc gia tiên tiến càng lúc càng lạm dụng thực phẩm công nghệ. Chính vì sai lầm trong dinh dưỡng, cho dù không ăn ngọt quá lố nhưng mất quân bình giữa các loại dưỡng chất nên bệnh tiểu đường có cơ hội bộc phát. Một thí dụ điển hình là con số bệnh nhân tiểu đường ở CHLB Đức, đã từ 6 triệu người của 5 năm trước nay lên đến 10 triệu, theo thống kê vào năm 2006.
Đó là chưa kể số người đã mắc bệnh nhưng chưa biết! Không có bệnh nào, kể cả bội nhiễm hay ung thư, lại có vận tốc nhiễm bệnh gia tăng đột biến đến thế. Bệnh tiểu đường không tăng sao được khi thực phẩm công nghệ ở Đức chiếm 80% thị phần, mặc dầu các nhà nghiên cứu không ngừng khuyến cáo về mức độ tai hại khó lường của chất phụ gia trong thực phẩm sản xuất hàng loạt.
Hễ nói đến bệnh tiểu đường thì ai cũng tá hỏa với mối lo “kiêng cữ khắt khe”. Đúng là người bệnh tiểu đường khó có thể tiếp tục nếp sinh hoạt, đặc biệt với chế độ ăn uống không kiểm soát như trước đó nhưng sẽ sai lầm hoàn toàn nếu người bệnh phải chấp nhận một cuộc sống xa rời chất lượng. Nhờ hiểu thêm và hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường nên (nhiều) thầy thuốc đã phải thay đổi quan điểm bảo thủ trong tiến trình điều trị bệnh tiểu đường, qua đó hai yếu tố giữ vai trò thậm chí quan trọng hơn thuốc men chính là chế độ dinh dưỡng và vận động.
Điểm cốt lõi trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường sẽ không còn tập trung vào biện pháp kiêng cữ mà là phải phối hợp và đa dạng hóa khẩu phần. Phối hợp thế nào? Đa dạng ra sao để người bệnh tiểu đường vẫn ăn no, ăn ngon mà không bệnh? Đón đọc nội dung trong những bài kế tiếp.
BS Lương Lễ Hoàng
Kỳ sau: Người bệnh tiểu đường nên uống gì?