
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, TPHCM hiện có 1.438 chốt sơ cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) được phân bổ đều trên địa bàn dân cư của 24 quận - huyện.

Hiện trường một vụ tai nạn
Trọng điểm về TNGT tại TPHCM vẫn là 22 km chiều dài tuyến quốc lộ 1A, vì thế các chốt sơ cấp cứu tại đây được đặc biệt chú ý hơn. Dọc quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Chánh có đến 12 chốt, đoạn qua quận Bình Tân có 7 chốt, đoạn qua quận 12 có 7 chốt và đoạn qua quận Thủ Đức có 6 chốt.
Số lượng các điểm sơ cấp cứu như thế là tạm ổn về mật độ và bố trí, tuy nhiên không phải không còn điểm lấn cấn. Dù hiện nay trang bị phương tiện tác chiến tại từng chốt sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ TP cung cấp đều có khá đầy đủ: băng ca, bông, băng, nẹp… cũng như lực lượng sơ cấp cứu viên đều đã được tập huấn về phương thức hoạt động, biện pháp nghiệp vụ khi có TNGT xảy ra, nhưng theo nhận xét của bác sĩ Lê Quang Ninh, Giám đốc Trung tâm Sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố thì hạn chế lớn nhất của công tác sơ cấp cứu TNGT lâu nay là phương tiện di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Loại phương tiện phổ biến nhất thường được sử dụng cho các tình huống này là xe honda, xe thô sơ nói chung, xe taxi rất hiếm và xe cứu thương chuyên dùng còn hiếm hơn nữa. Theo các chuyên viên, các “xe cứu thương” này không cố định được chỗ bị thương, người chở cũng không biết tình trạng chấn thương của nạn nhân. Theo bác sĩ Lê Quang Ninh, đấy chính là hạn chế lớn trong “giờ vàng” sơ cấp cứu. Bởi vì phương tiện vận chuyển không phù hợp có thể gây nhiều di chứng về sau cho nạn nhân TNGT”.
Điều này cho thấy hoạt động sơ cấp cứu TNGT trên địa bàn TPHCM rất cần một lực lượng chuyên chở chuyên nghiệp. Theo giới chuyên môn về sơ cấp cứu TNGT, hướng giải quyết việc này không quá khó, chẳng hạn như thành phố cần phát triển hệ thống 115 (gọi xe cứu thương), thậm chí mở thêm dịch vụ chuyên nghiệp cứu thương chỉ cần người dân gọi điện thoại là sẽ có xe chuyên dùng đến chở nạn nhân TNGT đi cấp cứu