Hàng điện tử, điện lạnh xuất xứ Thái Lan chiếm tới 70% tại các chợ

Bộ Công thương cho biết, đến hết tháng 2, Việt Nam đã chi 226,9 triệu USD nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 20,45% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hàng điện gia dụng và linh kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường châu Á, trong đó Thái Lan là thị trường cung cấp chính, chiếm trên 50% tổng kim ngạch.

(SGGP).- Bộ Công thương cho biết, đến hết tháng 2, Việt Nam đã chi 226,9 triệu USD nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 20,45% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hàng điện gia dụng và linh kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường châu Á, trong đó Thái Lan là thị trường cung cấp chính, chiếm trên 50% tổng kim ngạch.

Con số trên minh chứng cho việc doanh nghiệp Thái Lan đang “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn. Đơn cử, Tập đoàn BJC mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) và đổi tên thành B’mart. Trước đó, BJC cũng đã mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức) với giá 655 triệu EUR. Đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim… Tính đến nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác, nhất là hàng điện tử, điện lạnh chiếm tới 70% thị phần.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa thích là do giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt 10% - 20% và rẻ bằng một nửa so với hàng hóa có xuất xứ từ châu Âu, nhưng chất lượng không thua kém. Trong khi đó, sản phẩm do các doanh nghiệp nội sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng không đồng đều, nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục