Hàng hóa phục vụ Tết Tân Mão - Đúng giá cam kết

Chạy đua lo hàng tết
Hàng hóa phục vụ Tết Tân Mão - Đúng giá cam kết

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Tân Mão nhưng các doanh nghiệp (DN) của TPHCM đã lập xong kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm tạo nguồn hàng, bình ổn giá đến hết tháng 3-2011. Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh giá nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động, diễn biến thời tiết trong nước gây nhiều bất lợi cho sản xuất.

Chạy đua lo hàng tết

Khác hẳn những năm trước, năm nay tình hình giá cả các mặt hàng bị ảnh hưởng giá vàng, USD tăng liên tục, thất thường nên công tác chuẩn bị nguồn hàng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND TP và Sở Công thương, công tác chuẩn bị hàng bình ổn đã bắt đầu từ đầu tháng 11. Nhiều DN đã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng hóa dựa trên sự hỗ trợ của ngành chủ quản từ những chỉ tiêu cụ thể 8 mặt hàng thiết yếu mà TP đã thông qua.
 

Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định sẽ giúp đời sống công nhân tốt hơn. Ảnh: Cao Thăng
Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định sẽ giúp đời sống công nhân tốt hơn. Ảnh: Cao Thăng

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, công tác ứng vốn cho các đối tác đầu tư chăn nuôi, sản xuất tạo nguồn hàng đã xong. Saigon Co.op đang chuẩn bị lượng hàng phục vụ tết tương ứng với 1.200 tỷ đồng. Riêng 2 mặt hàng thịt heo và thịt gia cầm, Saigon Co.op đã ứng vốn cho các trang trại hơn 100 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, con giống. Ở mặt hàng rau củ quả, Saigon Co.op cũng đã ứng vốn hơn 20 tỷ đồng cho các HTX phát triển nguồn rau sạch. Theo tính toán của ông Nhân, hiện nhóm hàng lương thực, thực phẩm được dự trữ lên tới 150.000 tấn, trong đó hàng bình ổn giá là 30.000 tấn (tăng gấp 3 lần so với kế hoạch được giao).

Công ty TNHH Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt cũng đã lo xong kế hoạch phát triển nguồn trứng gia cầm phục vụ nhu cầu thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, ngay sau khi nhận tiền từ chương trình bình ổn, công ty đã ứng vốn phát triển đàn gia cầm. Ba Huân cũng đã thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học, kéo ngắn thời gian vịt đẻ trứng chỉ trong 30 ngày thay vì 60 hoặc 70 ngày. Ngoài ra, Ba Huân cũng đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các dự án để thực hiện các trang trại chăn nuôi liên kết, số lượng lên đến hàng trăm ngàn con, tạo nguồn hàng cung cấp cho TP.

Công ty Vissan – một trong những đơn vị chủ lực cung ứng nguồn hàng bình ổn cũng đã có đủ lượng thịt dự trữ (5.000 tấn thịt các loại) để sản xuất thực phẩm chế biến và đông lạnh. Hiện Vissan đang tăng tốc phát triển 40.000 con heo thịt cung ứng nguồn thịt tươi trong dịp tết sắp tới.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cộng với các chi phí phát sinh khác nhưng do công ty đã lường trước được tình hình nên vẫn có thể làm chủ được nguồn cung, đảm bảo giá bán như cam kết.

Mời gọi các DN cùng tham gia

Để đa dạng hóa mặt hàng bình ổn, TPHCM đã tiến hành mời gọi các DN có khả năng cung ứng các mặt hàng thủy hải sản như tôm, cá, mực đông lạnh, tôm khô, cá khô… tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua hàng tại một điểm bán hàng bình ổn giá ở quận Tân Phú. Ảnh: Cao Thăng
Người tiêu dùng mua hàng tại một điểm bán hàng bình ổn giá ở quận Tân Phú. Ảnh: Cao Thăng

Hưởng ứng chủ trương này, Tập đoàn Phú Cường – một DN lớn của tỉnh Cà Mau có năng lực cung ứng 100.000 tấn hàng/năm - đã đăng ký tham gia. Mặc dù không được nhận tiền theo chương trình bình ổn nhưng Phú Cường đã thực hiện các cam kết ổn định giá bán đối với 56 sản phẩm đến hết tháng 3-2011. Theo đó, giá bán thấp hơn giá thị trường 10% và cung cấp đủ nguồn hàng theo nhu cầu của TP. Đổi lại, Sở Công thương sẽ tạo điều kiện cho Phú Cường phối hợp với các hệ thống siêu thị lớn trên TP đưa các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh và thủy hải sản khô vào bán.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đang tìm kiếm thêm các DN có năng lực cùng tham gia. Trước mắt, sở đã làm việc và khảo sát chuồng trại, năng lực cung ứng và hệ thống phân phối của một số đơn vị như Công ty TNHH Phạm Tôn, HTX Tiên Phong… để cung cấp nguồn thịt gia súc, gia cầm cho thị trường TP.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sẽ không hạn chế số lượng các DN của TPHCM và các tỉnh đăng ký tham gia nhằm đa dạng hóa nguồn hàng. Khi được chọn, các DN dù không được hỗ trợ vốn nhưng vẫn phải tuân thủ đúng các quy định của TP. Nếu thực hiện tốt, sở sẽ đề xuất UBND TPHCM xem xét đưa vào danh sách những DN tham gia và được hỗ trợ vốn trong năm sau.

Sẽ đưa hàng bình ổn vào bếp ăn tập thể

Cùng với việc tập trung phát triển nguồn hàng, từ nay đến cuối năm TPHCM sẽ đồng loạt triển khai hệ thống cửa hàng chuyên bán 8 mặt hàng bình ổn giá tại các chợ và khu dân cư. Trước mắt, UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện rà soát loại toàn bộ các chợ truyền thống, trong trường hợp chưa sử dụng hết công năng sẽ bố trí thành các cửa hàng bán hàng bình ổn. Ngoài việc phục vụ cho người dân đi chợ, các cửa hàng này có nhiệm vụ phân phối hàng hóa đến các cửa hàng trong khu vực.

Đối với các DN, đến cuối tháng 11-2010 phải lập xong kế hoạch phát triển các điểm phân phối và bán hàng lưu động ra ngoại thành. Sở sẽ tổng hợp và báo cáo cụ thể với UBND TP. Theo dự kiến của bà Đào, từ nay đến tết, TPHCM sẽ phát triển thêm khoảng 100 cửa hàng bình ổn, nâng tổng số lên hơn 2.000 điểm bán.

Ngày 16-11, Sở Công thương đã bàn bạc với Ban quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (HEPZA) về kế hoạch đưa hàng bình ổn vào khu vực này. Theo đó, phương án thuê đất để mở các cửa hàng rất khó khả thi (vì giá thuê lên tới 7 USD/m²). Do vậy, cùng với HEPZA, sở sẽ rà soát loại khu vực các bếp ăn, tiến hành đưa hàng bình ổn giá vào các bếp ăn tập thể nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân trong bối cảnh giá thị trường đang biến động. Ngoài ra, những diện tích còn trống trong các bếp ăn sẽ được bố trí để bán các mặt hàng bình ổn cho công nhân.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để kiểm soát được giá cả, điều quan trọng là phải tạo một lượng hàng dồi dào, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, trong đó người dân có thu nhập thấp phải được hưởng thụ nhiều nhất từ chương trình. Chỉ khi nào chúng ta làm được điều này thì ý nghĩa của chương trình bình ổn giá mới trọn vẹn.


THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục