Hàng lậu theo nước lũ

Qua đò mua... hàng lậu
Hàng lậu theo nước lũ

Từ lâu, mùa lũ luôn trở thành mùa làm ăn lớn của dân buôn lậu tại biên giới Tây Nam. Khi nước lũ đổ về ngập trắng những cánh đồng dọc biên giới, hàng ngàn chiếc ghe, xuồng, vỏ lãi ngày đêm hoạt động, tuồn hàng lậu về nước ta. Việc vận chuyển hàng lậu vào mùa lũ thuận lợi bao nhiêu thì cuộc chiến chống buôn lậu lại cam go bấy nhiêu.

Bến xuồng đón khách sang chợ gò Tà Mâu mua hàng lậu ở xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, An Giang.

Bến xuồng đón khách sang chợ gò Tà Mâu mua hàng lậu ở xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, An Giang.

Qua đò mua... hàng lậu

Chợ gò Tà Mâu (ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia) không phải cái tên lạ lẫm gì, bởi từ lâu khu vực này đã được xem là một trong những sào huyệt hàng lậu lớn nhất nằm cặp tuyến biên giới Tây Nam. Mùa lũ, xuồng ghe ra vào gò tấp nập, mang theo bao cơ man hàng lậu. Từ đây, hàng lậu theo lũ tràn về.

Trên con đường dài hơn 5km từ trung tâm thị xã Châu Đốc về xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang), dọc hai bên đường hầu như nhà nào cũng đề bảng “giữ xe, đưa đò”. Thực chất, đây là những điểm nhận đưa khách qua chợ gò Tà Mâu và nhận chuyển hàng lậu về nước. Hầu hết các điểm giữ xe đều rất đông khách, mang biển số khắp các tỉnh, thành.

Trong vai người mua sỉ điện thoại di động, chúng tôi được Hậu - một người vận chuyển hàng lậu nhiệt tình hướng dẫn qua chợ gò với giá 15.000 đồng/người/lần xuất ngoại cả đi và về. Những ngày qua, nước lũ dâng cao, con đường (đường vận chuyển hàng lậu) xẻ ngang cánh đồng xã Vĩnh Ngươn dẫn sang chợ gò Tà Mâu dài hơn 2km đã ngập sâu trong nước.

Ngay phía đầu đường chỉ còn một đoạn đất cao, dài khoảng 50m, nước lên gần mặt đường, ghe, vỏ lãi đậu kín như một… cầu cảng. Tại đây, hàng chục tay vận chuyển hàng lậu hoạt động công khai, khiến khu vực trên lúc nào cũng nhộn nhịp như một cảng vận chuyển hàng hóa. Chiếc ghe của Hậu lao trên cánh đồng Vĩnh Ngươn hướng về chợ gò Tà Mâu với tốc độ của một chiếc ca nô. Trên cánh đồng ngập nước lũ không lúc nào im ắng bởi tiếng “phành phạch” inh ỏi của ghe máy, vỏ lãi chở người, hàng ngược xuôi.

Mỗi ngày, khu vực này có hàng ngàn lượt người, chủ yếu là con buôn qua mua hàng rồi thuê người vận chuyển bằng ghe, vỏ lãi về tập kết tại các kho hàng ở thị xã Châu Đốc, rồi đưa hàng đi các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ. Để qua mặt lực lượng chức năng, những đầu nậu mua hàng với số lượng lớn thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm. Dân vận chuyển hàng lậu hầu hết là người địa phương từ các xã Vĩnh Ngươn; phường Châu Phú A; phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Hậu bật mí, hiện mặt hàng đang được mua nhiều nhất là các loại điện thoại di động, máy tính bảng, hàng điện tử, thuốc lá, rượu ngoại, quần áo…

Cửu vạn vận chuyển hàng lậu ra ghe đưa về Việt Nam. Ảnh: Đình Tuyển

Cửu vạn vận chuyển hàng lậu ra ghe đưa về Việt Nam. Ảnh: Đình Tuyển

Coi chừng dính hàng “luộc”

Hậu đưa chúng tôi ghé một tiệm bán điện thoại di động lớn, nằm ngay mặt tiền, dãy ngoài cùng chợ gò Tà Mâu. Tại đây, có tất cả các loại điện thoại di động thật, giả lẫn lộn, trưng bày bắt mắt. Bà chủ tiệm cho biết hàng chủ yếu lấy từ Nam Vang (Phnom Penh), nhiều nhất là hàng Thái Lan, Trung Quốc. Nhìn kỹ, chiếc iPhone 4 “made in Thailand” ở đây có giá 3 triệu đồng, bề ngoài rất khó phân biệt với hàng thật. Tương tự, iPhone 3 giá 1,1 triệu đồng, Nokia N8 giá 1,3 triệu đồng, E72 giá 1,2 triệu đồng, Vertu giá chỉ 1,5 triệu đồng, máy tính bảng giả iPad giá 2,3 triệu đồng…

Cùng xem hàng với chúng tôi có vợ chồng ông Nghĩa, chủ tiệm điện thoại di động ở Kiên Giang đến mua về bán lẻ. Sau khi thử hàng trăm chiếc điện thoại, ông Nghĩa chọn 50 chiếc. Trong đó, nhiều nhất là iPhone “made in Thailand”. Ông Nghĩa cho biết: “Tiệm của tôi ở thị trấn huyện, lấy hàng iPhone này vừa đẹp bắt mắt, giá rẻ, chủ yếu bán cho những người không biết, cứ nói hàng Thái Lan, bán giá gấp đôi, gấp ba cũng được”. Việc vận chuyển, khách hàng không lo. Công chuyển từ chợ gò qua thị xã Châu Đốc mỗi chiếc điện thoại 15.000 đồng.

Dãy bán hàng điện tử tại chợ gò cũng rất đông khách chọn mua dàn âm thanh. Ngoài những người mua về bán lại, còn có nhiều người mua về sử dụng. Anh Nhất ở Long Xuyên, An Giang mua dàn âm thanh trang bị quán cà phê, nói: “So với những thứ khác, hàng âm thanh ở đây khá tốt, tôi cũng hỏi mấy người bạn đã dùng, thấy êm mới dám mua”. Tuy nhiên, hàng lậu về đây có 2 loại chính, hàng miễn thuế từ các nước nhập về Nam Vang, rồi tuồn về chợ và hàng... “nội luộc thành ngoại” từ Châu Đốc tuồn qua. Một trong những chiêu tinh vi được các đầu nậu dùng tại đây, “lột xác” hàng nội thành hàng ngoại. Một chiếc tivi Sony “made in Japan” mới tinh bán tại chợ gò khoảng 1 triệu đồng, người mua thường bị lầm là hàng xịn, giá rẻ. Song sự thật chỉ có phần vỏ Sony, còn ruột thì “hên xui”, có thể bị đầu nậu mua đồ cũ chỉ 200.000 đồng nhét vào.

Theo một cán bộ Cục Hải quan An Giang, hầu hết phương tiện vận chuyển của dân buôn lậu là ghe, vỏ lãi, tắc ráng đã được lắp động cơ công suất lớn, tốc độ không hề kém bo bo của hải quan, biên phòng. Khi bị vây bắt, các đối tượng buôn lậu không chỉ bỏ của chạy lấy người mà còn “thả lưới giăng bẫy” phương tiện của ngành chức năng. Mỗi lần đến điểm có lưới giăng, lưới bẫy các đối tượng chỉ cần nhấc chân vịt lên rồi chạy tiếp, trong khi bo bo của lực lượng chức năng “chịu chết”.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong quý 3-2011, buôn lậu trên tuyến biên giới đường bộ vẫn diễn biến phức tạp. Địa bàn trọng điểm là khu vực Móng Cái - Quảng Ninh, Tân Thanh - Lạng Sơn, Tà Lùng-Cao Bằng, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai… Mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá, các loại nước giải khát, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, thực phẩm, gia súc, gia cầm. Các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng để cửu vạn tiện mang vác hoặc sử dụng xe máy, ghe xuồng chở lậu qua biên giới.

Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng nhập khẩu súng hơi không khai báo. Trong tháng 9 vừa qua, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện 6 trường hợp hành khách nhập khẩu 39 súng hơi không khai báo, không có giấy phép nhập khẩu... Trong quý 3-2011, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 4.498 vụ việc vi phạm, trị giá hơn 42,5 tỷ đồng, trong đó có 164 vụ việc liên quan đến ma túy.

Đình Tuyển

Tin cùng chuyên mục