(SGGP).- Ngày 12-11, tại buổi tọa đàm “Tổng hợp thông tin và đánh giá việc thực hiện các giải pháp ứng phó ngập nước trên địa bàn TPHCM”, đại diện Ban Đô thị HĐND TPHCM nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến TPHCM bị ngập lụt là do địa hình và điều kiện khí tượng thủy văn, hải văn; cùng với đó, quá trình đô thị hóa không hợp lý, công tác quản lý đô thị còn hạn chế và ý thức người dân về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cao.
Đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân khiến đường phố TPHCM bị ngập. Ảnh: Cao Thăng
Cụ thể, phía Nam của TPHCM là nơi có nền đất yếu và thấp nhưng lại được đầu tư mạnh mẽ, phát triển tự phát tại hai bên sông Sài Gòn về phía thượng lưu, khiến hàng ngàn hécta diện tích chứa nước bị biến mất, phần lớn ruộng vùng ven đô biến thành đô thị… Cùng với đó là sự biến mất của 47 con kênh (16,4ha), 7,4ha hồ Bình Tiên - một trong những hồ chứa nước quan trọng nhất khu vực, đã khiến thành phố bị ngập lụt khi triều cường hoặc khi mưa nhiều hay do lũ từ lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn trực tiếp đổ về. Trong khi đó, hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa và diện tích cây xanh tại các công viên nội đô giảm gần 50%...
Tại buổi tọa đàm, các sở ngành chức năng TPHCM báo cáo về công tác đã và đang thực hiện để ứng phó trước tình trạng ngập lụt của TPHCM. Trên cơ sở đó, giới chuyên gia, nhà khoa học đã nhận diện, đánh giá về nội dung báo cáo của các sở ngành, làm rõ thêm về thực trạng ngập lụt tại TPHCM hiện nay.
VÂN ANH