Hàng ngàn người tham gia Ngày hội tái chế chất thải TPHCM năm 2012
Sáng nay, 15-4, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tổ chức Ngày hội tái chế chất thải 2012 với chủ đề “3T trong sử dụng bao bì” (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng). Đến dự có ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM.
(SGGPO).- Sáng nay, 15-4, tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tổ chức Ngày hội tái chế chất thải 2012 với chủ đề “3T trong sử dụng bao bì” (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng). Đến dự có ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM.
Tại ngày hội đã diễn ra các hoạt động thiết thực, bổ ích như hoạt động thu gom chất thải nguy hại tại hộ gia đình và các chất thải có thể tái chế như pin, ắc quy, bình đựng hóa chất, bóng đèn hỏng; thu gom vỏ chai, lon nước giải khát, vỏ hộp sữa, chất thải điện tử… để lấy quà.
Bên cạnh đó, các hoạt động như triển lãm các sản phẩm tái chế, giới thiệu túi thân thiện với môi trường, quy trình phân loại rác thải thông thường, tái chế chất thải, bảo vệ môi trường … cũng được tổ chức nhằm nâng cao ý thức trong sử dụng túi ni lông, phân loại chất thải sinh hoạt cho người dân và cộng đồng.
Ban tổ chức cũng đã tổ chức cuộc thi Sức sống mới từ phế thải dành cho học sinh và thu hút được gần 140 trường học trên địa bàn thành phố tham gia với hơn 1.000 sản phẩm; thi thiết kế nhanh Túi xanh vì môi trường xanh…
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, chính vì vậy chính quyền và người dân cùng bắt tay nhau vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thông qua ngày hội, ông Nguyễn Hữu Tín cũng kêu gọi, vận động học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân lao động hãy chung tay với chính quyền thành phố có những hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, thay đổi từ thói quen nhỏ như sử dụng túi thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng sản phẩm có thể tái sử dụng, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.