(SGGP).- Theo kết quả khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho thấy môi trường ở xã Chí Đạo, nhất là ở thôn Đông Mai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) nơi có nghề thu gom, tái chế ắc quy chì đang bị ô nhiễm và phơi nhiễm chì nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là với trẻ em địa phương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong đất bề mặt ở xã Chí Đạo, hàm lượng chì (hay còn gọi là các chất hữu cơ và kim loại nặng) trung bình là 10.511 μg/g, trong đất sâu 20cm là 7.624 μg/g, 3/10 mẫu đất mặt, 3/11 mẫu đất sâu 20cm có hàm lượng chì > 500 μg/g, 6/13 mẫu không khí có nồng độ chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Kết quả xét nghiệm nồng độ delta - ALA (một nghiệm pháp phát hiện sớm đối với nhiễm độc chì) trên 500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở xã Chí Đạo cho thấy có 45% trẻ em có nồng độ delta - ALA niệu >10mg/l, chiều cao trung bình của học sinh theo các lứa tuổi ở tại xã Chí Đạo thấp hơn từ 1-5cm so với trẻ em ở xã Tứ Dân (một xã có nghề chế biến nông sản của tỉnh Hưng Yên).
Ông Khúc Chí Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Văn Lâm cho biết, qua các nghiên cứu cho thấy ở Đông Mai có tới 209 trẻ bị phơi nhiễm chì, trong đó có 33 trẻ em có lượng chì máu cao trên 70mg/dl cần phải được điều trị thải độc chì ngay.
Theo Sở Y tế Hưng Yên, sở dĩ môi trường xã Chí Đạo bị ô nhiễm chì nghiêm trọng là do trên địa bàn xã có làng nghề chuyên thu gom và tái chế ắc quy chì rất độc hại, với khoảng 40 hộ sản xuất tái chế chì. Trong khi đó, quy trình thu gom, tái chế ắc quy chì ở đây rất thủ công và lạc hậu đã khiến cho bụi chì phát tán rộng vào môi trường và nguồn nước nơi đây gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Hơn nữa dù xã Chí Đạo đã có trạm cung cấp nước sạch nhưng tỷ lệ người dân thôn Đông Mai sử dụng nguồn nước sạch của trạm cấp nước mới đạt khoảng 45% còn lại là người dân vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan tại gia đình.
Sở Y tế Hưng Yên cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng và các cơ sở điều trị tuyến trung ương để tiến hành giải độc cho 33 trẻ bị nhiễm độc chì cao cần phải được điều trị gấp, giúp các em hồi phục sức khỏe. Đồng thời tăng cường truyền thông cho người dân địa phương nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống phơi nhiễm chì, đặc biệt là cho cha mẹ trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người lao động tái chế chì. Tiếp tục theo dõi diễn biến chì trong máu ở trẻ em để tiến hành các biện pháp can thiệp phù hợp theo tình hình.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường và phơi nhiễm chì nghiêm trọng tại xã Chí Đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra tình trạng ô nhiễm chì do hoạt động nghề tái chế phế liệu tại xã Chí Đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết trước ngày 15-5-2015.
MINH KHANG