Hàng điện tử, điện máy không rõ nguồn gốc đang được bày bán đầy đường ở khu vực ngoại thành TPHCM. Các nhân viên bán hàng ở đây luôn mạnh miệng tuyên bố “100% linh kiện sản phẩm nhập từ nước ngoài” nhưng thực chất ra lượng chỉ “xài một lần rồi bỏ”. Vì tin vào tên tuổi những thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài nên nhiều người đã tiền mất tật mang khi mua hàng giả với giá chính hãng. Đáng chú ý, rất ít công ty có động thái tích cực bảo vệ thương hiệu của mình, còn cơ quan quản lý thị trường cũng chỉ… đứng nhìn, để mặc cho hàng trôi nổi bán tràn lan.
“Da” Việt - giá Hàn
Chiều ngày 11-8, chúng tôi theo chân một vài người tiêu dùng tìm mua hàng điện máy trên đường Kinh Dương Vương, quận 6. Ghé vào Trung tâm điện máy Bình Tây, chúng tôi ghi nhận hàng loạt sản phẩm điện máy, điện tử bày bán tại đây không được dán tem nhãn theo quy định như tên hàng hóa; tên, địa chỉ cá nhân hoặc công ty chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, tem nhập khẩu… Vi phạm nhiều nhất tập trung vào các mặt hàng bình đun nước nóng, nồi cơm điện, máy ép trái cây, máy sấy tóc, bàn ủi điện… Nhưng đáng ngạc nhiên, những sản phẩm trôi nổi này đều mang tên của những thương hiệu nổi tiếng như Panasonic, Gali, Philips…
Được biết, tại Trung tâm điện máy Bình Tây đang khuyến mãi giảm giá tivi nên chúng tôi hỏi một nam nhân viên bán hàng về chiếc TV màn hình LED hiệu Samsung, anh này cho biết: “Giá gốc 6,7 triệu đồng nhưng giảm còn 6,2 triệu đồng. Hàng chính hãng Hàn Quốc”. Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ món hàng, chúng tôi phát hiện hai sợi dây điện đấu nối phía sau TV có dòng chữ “Made in China”. Tôi thắc mắc, anh nhân viên phân bua: chỉ có sợi dây sản xuất tại Trung Quốc, còn sản phẩm này sản xuất tại Hàn Quốc, bên Trung Quốc chưa thể bắt chước công nghệ này (!?). Khi chúng tôi nói thẳng, Trung Quốc đã cho ra đời những sản phẩm nhái TV màn hình LED này từ lâu thì anh này lại ú ớ.
Tương tự kiểu bán hàng mập mờ như thế, ở Trung tâm điện máy Hoàng Sơn, Trung tâm điện máy Á Châu (Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận, quận 12) cũng trưng bày nhiều loại sản phẩm điện tử, điện máy nổi tiếng nhưng… không có tem nhãn. Các sản phẩm ở đây ghi nhằng nhịt tiếng Thái Lan, xen lẫn vài dòng tiếng Anh. Khách hàng muốn biết cách sử dụng phải thông qua hướng dẫn của… nhân viên, hoặc tự lần mò.
Một nhân viên giới thiệu với chúng tôi bàn ủi Blaker, nhưng sản phẩm này không có thông tin gì ngoài dòng chữ Thái Lan in trên hộp. Anh nhân viên bán hàng cứ ra rả quảng cáo về chất lượng sản phẩm lên tận mây xanh, nhưng khi chúng tôi hỏi tem và sổ hướng dẫn sử dụng ở chỗ nào thì anh này nín bặt. Sau đó, anh ta chỉ đại vào logo sản phẩm in trên thân máy của bàn ủi có chữ A in hoa và khẳng định là tem nhãn. Khi chúng tôi quyết định mua sản phẩm, anh nhân viên liền nói: “Nơi này thử hàng tại chỗ, mua về có trục trặc gì trung tâm không nhận trả lại”. Như để giúp chúng tôi thêm tin tưởng, anh ta bồi thêm: “Hàng này chính hãng nên yên tâm sử dụng. Trước giờ không thấy ai quay lại đổi hàng”.
Chiêu mời chào khách cũ rích cũng áp dụng tại cửa hàng Hoàng Khanh (9 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình). Chiếc máy xay sinh tố Blender có giá 460.000 đồng, xuất xứ hàng liên doanh Việt – Thái, nhưng bao bì dày đặc tiếng Thái. Khi chúng tôi hỏi về tem hướng dẫn sử dụng, người bán hàng ngập ngừng nói: “Thôi tôi để lại giá gốc 380.000 đồng, có tem hay không cũng đâu ảnh hưởng gì”.
Hàng nhái trong trung tâm điện máy
Trong thời gian gần đây, trang Chống hàng gian hàng giả Báo SGGP liên tục tiếp nhận những cuộc điện thoại từ bạn đọc, nội dung phản ánh việc mua hàng điện tử, điện máy kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng không được bồi thường. Những bức xúc của người dân về trách nhiệm của người đại diện thương hiệu không chống hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của quản lý nhà nước khi để hàng trôi nổi tung hoành trên thị trường. Những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, giả thương hiệu được bày bán công khai, thậm chí được trưng bày trong các trung tâm điện máy lớn nhỏ. Các trung tâm cứ vô tư trộn lẫn hàng thật với hàng giống thật để lừa khách. Hậu quả khách hàng vừa mất tiền, mất cả niềm tin. Bởi người bán đã ràng buộc ngay từ đầu là không chịu bất cứ trách nhiệm gì khi hàng bị lỗi.
Đem những thắc mắc trên trao đổi với một cán bộ lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cũng những câu trả lời cũ rích: Chúng tôi cũng rất đau đầu với những chiêu bán hàng vô trách nhiệm của các cửa hàng điện máy báo chí nêu tên. Nhưng lực lượng quản lý thị trường mỏng, cán bộ phân tán, trung chuyển nhận nhiệm vụ mới nên… đôi khi để lọt đối tượng buôn bán gian lận (!).
Rõ ràng, lời giải thích này khó được người dân đồng tình, vì chính người dân đang mỗi ngày phải gánh chịu hậu quả của việc “đôi khi để lọt đối tượng buôn bán gian lận” này. Mặt hàng điện tử, điện máy là những sản phẩm thông dụng, có số lượng khách hàng nhiều, việc bán hàng giả tràn lan thì số “nạn nhân” không phải là ít. Không chỉ có hàng giả trong lĩnh vực điện tử, điện máy mà những lĩnh vực khác như túi xách thời trang, ví, mắt kiếng đắt tiền (dành cho giới thượng lưu)… cũng bị làm giả, được bày bán ở những trung tâm thương mại lớn. Thế nhưng, lâu nay, hầu như lực lượng mỏng của cơ quan quản lý thị trường chỉ mới tập trung xử được hàng thời trang, túi xách, ví da… chứ ít xử lý mặt hàng điện tử, điện máy. Câu hỏi đặt ra ở đây, chẳng lẽ lại có sự phân biệt, đối xử trong việc xử lý đối tượng vi phạm?
Mặt hàng liên quan trực tiếp tới đời sống, gắn liền với dân sinh thì cơ quan chức năng thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm. Còn những mặt hàng chỉ gắn với thiểu số đối tượng có thu nhập cao lại được cơ quan chức năng quan tâm, rốt ráo xử lý. Đến khi nào hàng điện máy, điện tử trôi nổi mới bị xử phạt? Câu trả lời xin dành cho lực lượng quản lý thị trường, thuế, cùng những cơ quan, ban ngành có trách nhiệm trên địa bàn TPHCM.
THI HỒNG – MINH TRUNG