Ranh giới giữa nhà này với nhà kia là hàng rào bằng cây cối xanh um. Thường là dâm bụt, cúc tần, tre trúc. Hoặc cũng có khi là giậu mồng tơi vươn ngọn non mơn mởn, 2 nhà cùng hái vào nấu với canh cua.
Hàng rào ngày xưa đầy lỗ hổng để lũ trẻ con chui ra chui vào nhà nhau chơi. Hàng rào như chỉ để có thôi chứ gà nhà này sang sân nhà kia nhặt thóc cũng là chuyện quá đỗi bình thường. Con bò lỡ chui sang phá phách thứ gì cũng chẳng lỡ nặng lời với nhau vì “hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau”.
Người ta vịn vào cái tình mà sống. Mọi công to việc lớn trong nhà, ngoài anh em ruột thịt thì luôn có hàng xóm giúp một tay lo liệu. Từ đám cưới đến đám ma, từ xây cái nhà đến đào cái giếng, ốm đau bệnh tật hàng xóm đến thăm nom.
Lúc tìm mua đất làm nhà, tôi loay hoay mãi không chọn được chỗ ưng. Chồng nói tôi khó tính, chỉ cần gần trường, gần chợ là được rồi, sao cứ phải đắn đo chọn lựa. Thật ra là tới mảnh đất nào, tôi cũng hay lân la hỏi chuyện hàng xóm xung quanh. Đối với tôi, môi trường sống rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến tâm trạng của mình mỗi ngày, đến sự phát triển của các con mình.
Chọn lựa mãi, cuối cùng chồng tôi quyết định mua đất trong khu tái định cư. Khi chúng tôi xây nhà thì xung quanh đất vẫn còn bỏ trống. Trơ trọi một mình buồn đến mức hễ thấy nhà nào rục rịch chở gạch, cát để chuẩn bị xây nhà là tôi mừng lắm. Ngày nào cũng ra vào hỏi han xem có giúp được họ cái gì thì giúp. Nhà giáp nhà, chẳng có hàng rào nào nhưng kín cổng cao tường, nhiều khi thấy xa cách quá chừng.
Vợ chồng anh cả đã vài lần tính đón bố mẹ xuống thành phố sống cùng. Nhưng lần nào mẹ cũng không chịu đi chỉ vì tiếc những người hàng xóm. Mẹ nói, sống ở quê sáng mở mắt ra là thấy tiếng bà Sáu hát cải lương. Bà đã già mà giọng ca nghe chứa chan đến đứt từng khúc ruột.
“Các con xa nhà suốt, may mà có mẹ con cái Bấn nhà bên. Mấy đứa nhỏ ngoan lắm, hay sang làm cỏ vườn giúp mẹ. Chúng nó ăn cơm ở đây còn nhiều hơn ở nhà. Không có chúng chắc mẹ buồn chết mất”. Mẹ còn có hội bạn đi chùa, đi chợ; hội giã bánh giầy, gói bánh tò he. Mẹ nghe nói thành phố nhà nào biết nhà đấy, có khi ở cả năm chưa nhìn thấy mặt nhau. Mẹ sợ mình không quen nhịp phố, thói quê ăn vào máu, biết đâu sẽ làm phiền người khác. Ngay cả giọng người quê cũng quen nói to rồi, nhà này vọng nhà kia, ở phố đâu có hợp.
Lần nào mẹ cũng dập tắt ý định của vợ chồng con trai cả bằng câu: “Các con cứ yên tâm làm ăn, bố mẹ ở đây đã có hàng xóm láng giềng”.