Ảnh minh họa
Đến thăm nhà anh bạn, cả hai cùng làm công nhân giày da từ miền Trung dắt díu vào Nam lập nghiệp. Sau gần 20 năm, hai vợ chồng anh cũng tích cóp mua được căn nhà ở ngoại thành - niềm mơ ước của không ít công nhân, thậm chí cả công chức nhập cư.
Tôi hỏi anh bí quyết như thế nào mà với đồng lương ít ỏi của mình, lại phải nuôi 2 đứa con ăn học mà vẫn tích cóp được tiền để mua nhà, sắm xe trong khi không ít người dân bản địa ở đây còn phải đi ở trọ? Anh trả lời ngay: “Chẳng có bí quyết gì cả, chỉ có một cách duy nhất đó là làm việc chăm chỉ. Ngoài việc đi làm ở công ty, thời gian rảnh, vợ chồng tôi đi bán dạo ở các chợ kiếm thêm thu nhập. Khi mà một số người ngại ngùng, mắc cỡ khi bán từ bó rau, lon hành... thì tôi lại vứt hết cái tôi cá nhân, dẹp hết tính sĩ diện để bắt tay vào làm bất cứ việc gì... miễn việc đó không vi phạm pháp luật, không đánh mất lương tâm và có thể tạo ra những đồng tiền chính đáng”.
“Thế thì thời gian đâu để anh dành cho gia đình, con cái?”, tôi hỏi. Anh bày tỏ: “Hạnh phúc của gia đình tôi thật giản dị. Đó là mỗi buổi tối vợ ngồi đợi đến 10 giờ đêm chỉ để dọn cho chồng ăn. Đó là hạnh phúc của người vợ vì có một người đàn ông để đợi, để chờ... mặc dù số tiền anh kiếm thêm không đáng là bao. Hạnh phúc là khi chúng ta cho con trai 20.000 đồng tiền ăn sáng, nhưng vào trường con chỉ mua một miếng bánh 10.000 đồng, số tiền còn lại dành dụm để mua sách vở, trong khi không ít trẻ ăn cắp tiền gia đình, trốn học chơi game…”.
Anh kể rằng có những lúc hai vợ chồng dậy từ 4 giờ sáng chạy xe xuống chợ đầu mối mua rau về phân nhỏ ra bán. Kết quả chẳng ai mua, ế, âm mất vốn... về nhà hai đứa mệt lử nhìn nhau cười. Nhưng với anh, đó vẫn là hạnh phúc vì cả hai đã cố gắng hết mức, mặc dù kết quả không được như mong muốn.
Có một điều tôi rất bất ngờ khi anh bộc bạch: “Đôi khi 2 vợ chồng giận hờn nhau cũng là lúc cảm nhận được hạnh phúc. Miễn là sau đó hiểu, thương nhau nhiều hơn. Cuộc sống hôn nhân là thế, nó cũng như bản nhạc có lúc trầm lúc bổng, lúc ồn ào, lúc du dương… Vợ chồng thỉnh thoảng cũng phải có lúc giận hờn vu vơ như vậy cuộc sống mới thi vị”.
Tôi tâm đắc khi lời anh nhắn nhủ lại các bạn trẻ nghèo từ quê vào thành phố lập nghiệp rằng: “Đừng bao giờ ngồi than thân trách phận, trông chờ vận may...Tùy theo khả năng, trí tuệ của mình, tài lớn thì làm việc lớn, tài nhỏ thì làm việc nhỏ...nhưng nhất định không được ngồi yên một chỗ, mà phải làm việc vì chỉ có làm việc mới mong thoát nghèo. Đừng vì tính sĩ diện, hãy bắt tay vào làm bất cứ việc gì... miễn việc đó không vi phạm pháp luật, có thể tạo ra những đồng tiền chính đáng”.