Hạnh phúc làm người thợ giỏi

Hạnh phúc làm người thợ giỏi

Tối 15-10, Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 28 năm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TPHCM (15-10-1982 - 15-10-2010) và tuyên dương, trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần 3-2010. Đến tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP; Phan Văn Mãi, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM và gần 500 đoàn viên thanh niên TP. Ban tổ chức đã xét chọn và tuyên dương 14 cá nhân tiêu biểu nhất nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2010. Đây là những điển hình thanh niên công nhân đã có những công trình, sáng kiến, hiến kế tiêu biểu mang lại những thành quả thiết thực cho công ty, đơn vị, góp phần vào sự phát triển của TP. Bước lên bục nhận giải là những gương mặt còn rất trẻ nhưng đã kịp trang bị cho mình nhiều thành tích trong việc cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

  • Bông hồng năng suất

Trẻ tuổi nhất trong số 14 thanh niên công nhân lên nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2010 là chàng trai quê Bình Định Trần Văn Lương (21 tuổi), công nhân Công ty CP May Sài Gòn 3 (Tổng Công ty Dệt may Gia Định). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết THCS, Lương phải nghỉ học, ngày hai buổi ra đồng phụ giúp gia đình để nhường cho 3 đứa em được tiếp tục đến trường. 17 tuổi, Lương theo chị gái vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống xa gia đình.

Để được nhận vào làm CN may tại một công ty tư nhân ở Bình Phước với đồng lương ít ỏi (hơn 800.000 đồng/tháng), Lương đã phải tự “khai gian” thêm tuổi của mình. Được hơn 1 năm, khi tay nghề đã vững, một người quen đã giới thiệu Lương sang làm tại Công ty CP May Sài Gòn 3.

Sau một thời gian đứng may tại tổ may 4, Xí nghiệp Minako 1, Lương nhận ra bất cập từ các khâu trong thao tác đặt, chuyển bán thành phẩm mất thời gian không cần thiết. Từ đó, Lương đề xuất chỉnh cử, gá lắp cho phù hợp để việc vận chuyển các bán thành phẩm được đúng vị trí, gọn gàng, tạo sự chuẩn hóa các thao tác may. Phương pháp của Lương khi áp dụng đã đạt năng suất từ 1.200 sản phẩm/ngày lên 1.300 sản phẩm/ngày và nâng cao thu nhập bản thân từ 2 - 3 triệu đồng/tháng (năm 2007) lên 6,5 triệu đồng/tháng (năm 2010).

Đặc biệt, từ khi áp dụng phương pháp mới, tinh thần thi đua trong lao động giữa các cá nhân và giữa các tổ sản xuất được tăng lên. Liên tục 2 năm liền, chàng trai trẻ này luôn được công nhận là “Bông hồng năng suất” (một danh hiệu thi đua) của công ty.

Dáng vẻ mảnh khảnh, khuôn mặt gầy, đôi mắt luôn sáng đầy hy vọng, Lương chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi biết mình được lọt vào danh sách nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay. Đây là giải thưởng cao quý dành cho thế hệ công nhân trẻ trực tiếp sản xuất, giúp tôi có cảm giác rút ngắn khoảng cách giữa người thầy và người thợ”.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao bằng khen cho điển hình thanh niên công nhân nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua trao bằng khen cho điển hình thanh niên công nhân nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: VIỆT DŨNG

  • Tự hào thợ giỏi

Năm 17 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Huyền cũng khăn gói từ Bắc Ninh vào TPHCM làm CN. Mục đích ban đầu của Huyền là đi làm để kiếm tiền học tiếp. Thế nhưng tới khi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương, Huyền lại quyết định không đi học, một phần vì đường sá xa xôi, một phần vì đã… lỡ yêu nhà máy! Từ chỗ chỉ là một công nhân bình thường, nhờ chăm chỉ, lại sáng dạ, sau một thời gian, Huyền được phân công làm kỹ thuật viên rồi Tổ trưởng Tổ kỹ thuật xưởng 7, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre.

Từ ngày đảm nhận nhiệm vụ mới, Huyền luôn để ý đến từng khâu trong sản xuất để suy nghĩ ra cách làm mới, tiết kiệm công sức của anh em. Nhận thấy mỗi lần tắt bếp quay rế (bếp làm chả giò rế), nếu muốn sản xuất lại phải làm vệ sinh và đốt nóng trong vòng 30 phút mới có thể sử dụng được, Huyền bèn thay đổi cách làm vệ sinh: vệ sinh bếp bằng nước, sau đó lau khô bằng giấy mỏng. Cách làm này còn tiết kiệm được một lượng dầu ăn đáng kể được dùng để làm nóng mặt chảo mỗi khi khởi động.

Sáng kiến tuy nhỏ nhưng đã giúp mỗi công nhân mỗi ngày tiết kiệm được từ 15 phút đến nửa giờ, năng suất lao động tăng lên. Thấy bàn ấn da há cảo thường gây ra tiếng ồn rất lớn, Huyền đề xuất làm một tấm thớt có diện tích bằng với mặt bàn. Mặt thớt được trải cao su, vừa tránh làm hư mặt bàn, vừa giảm thiểu tiếng ồn.

Sáng kiến “nhỏ xíu” này của Huyền giúp giảm 70% tiếng ồn và tăng 3% năng suất ở khâu ấn da, giúp khuôn làm bánh không bị mẻ, gãy và đảm bảo không có tạp chất trong quá trình ấn da.

Trong số những sản phẩm của Cầu Tre, bánh tráng màu tự nhiên là mặt hàng xuất khẩu rất được ưa chuộng. Do yêu cầu kỹ thuật gắt gao, trước đây công ty phải mời những nghệ nhân tráng bánh nhiều kinh nghiệm từ các làng nghề về làm. Tuy nhiên, muốn mở rộng sản xuất và chủ động về nhân công, công ty phải tính đến chuyện đào tạo thợ tráng bánh. Nhưng trong một thời gian ngắn không thể đào tạo được những công nhân tráng bánh lành nghề.

Trăn trở về điều này, Huyền cùng các anh chị em ở xưởng đã nghiên cứu, đề xuất cải tiến quy trình sản xuất bánh tráng màu bằng máy băng tải thay thế phương pháp tráng bánh bằng tay. Phương pháp này đã giúp sản xuất được số lượng nhiều, độ dày mỏng đồng đều và chỉ cần phơi nắng 2 giờ/ngày là đủ thay vì phải phơi 5-7 ngày như trước

Hiện tại, Huyền được công ty tạo điều kiện cho tham gia các lớp chuyên về kỹ thuật, đi nước ngoài tham dự khóa tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và học Đại học Luật. Huyền cười: “Lúc trước chuyện học hành dở dang nên em luôn mong được đi học. Nhưng học là để bổ sung kiến thức nhằm giúp cho công việc của mình tốt hơn chứ không phải học lên cao để “nhảy việc”. Em yêu công việc của mình và làm lợi được cho công ty cũng rất đáng tự hào. Điều đó có nghĩa là mình cũng đã góp phần vào sự phát triển của xã hội”.

Với sự phấn đấu bền bỉ, cô công nhân Nguyễn Thị Huyền đã vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng

THANH HỢP - MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục