Ngày 10-5, Ủy ban MTTQ TPHCM tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động Vì người nghèo (2001-2010) trên địa bàn TP. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. 10 năm triển khai cuộc vận động Vì người nghèo trên địa bàn TP, đã có hàng trăm ngàn cuộc sống của hộ nghèo và con em họ “lành lại” bởi sự sẻ chia, đùm bọc và yêu thương của nhiều người dân TP.
Đi qua bóng tối
Chị Mạch Thị Cẩm Vân, ngụ 2/1B khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường quận 9, kể với chúng tôi về bước chuyển trong cuộc đời mình: Gia đình có 4 người, luôn thiếu trước hụt sau bởi chỉ với nguồn thu nhập chính từ chồng chị là phụ hồ thì không thể đủ trang trải. Nguy cơ 2 con chị bỏ học là khó tránh khỏi. Phát hiện kịp thời, mặt trận quận đưa hộ chị vào danh sách XĐGN. Năm 2002, chị được cấp nhà tình thương.
Từ đó, liên tục chị được trợ vốn 4 lần với tổng số tiền hơn 23 triệu đồng để làm kinh tế gia đình, được giao 1 con bò sữa để nuôi, được hỗ trợ con giống, các con chị được hỗ trợ học bổng Nguyễn Hữu Thọ liên tục 9 năm liền. Đến nay, chị đã có thể tâm sự hạnh phúc: “Tôi đã mua được xe máy, tiện nghi sinh hoạt gia đình, thu nhập từ tiệm tạp hóa và đàn bò sữa đạt 6 triệu đồng/tháng, con tôi một đứa đã lập gia đình, một đứa đang học lớp 12. Tôi sẽ luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ kịp thời ngày nào!”.
Đối với nhiều người đã từng được hỗ trợ như gia đình chị Vân, đã chọn việc âm thầm giúp lại cho những người khó khăn hơn mình như một cách trả ơn cuộc đời. Anh Nguyễn Văn Sanh, ngụ số 247/71 Lạc Long Quân P3 Q11 là một trường hợp như vậy.
Từ một người làm thuê kiếm sống trong khi xóm Chùa phường 3 với trăm bề khốn khó, anh Sanh được đưa vào danh sách hỗ trợ để làm kinh tế gia đình. Nhiều lần được hỗ trợ kinh phí và động viên kịp thời, vợ chồng anh đã vượt nghèo bằng cách gia công cho các cơ sở sản xuất trong phường.
Đi qua khó khăn, 10 năm anh kiên trì làm việc có ý nghĩa trả ơn đời bằng cách nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trong tổ dân phố từ bữa ăn hàng ngày đến cái mặc và cả thuốc thang, viện phí cho họ khi không may nằm viện.
Những trường hợp như chị Vân, anh Sanh không phải là cá biệt. Cuối năm 2000, theo báo cáo của Ban chỉ đạo XĐGN TP, TP còn 100.000 hộ gia đình nghèo và 20 phường xã nghèo trọng điểm thuộc các quận 9, huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Nhà Bè cần đặc biệt chăm lo. Đến cuối năm 2010, theo Ban Vận động vì người nghèo TP, TP đã giúp 46.144 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3 (có mức thu nhập trên 12 triệu đồng/người/năm). Hiện, tổng số hộ nghèo còn lại chiếm 5,68% tổng số dân của TP. Trong hành trình 10 năm vì người nghèo, phía sau những con số báo cáo khô khan là biết bao mái nhà, hoàn cảnh, số phận đã được thay đổi, vươn lên.
Hơn 740 tỷ đồng vì người nghèo
10 năm không phải là một chặng đường dài, nhưng những thành quả mà chương trình đạt được lại thiết thực và lớn hơn rất nhiều. Người dân TP mang tên Bác kính yêu là thế: không bao giờ làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Chính tinh thần sẻ chia, yêu thương, đùm bọc nhau đã làm cho chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ và thành công vượt bậc.
Thế nhưng, có được điều đó, không thể không nhắc đến một sự chỉ đạo sáng suốt và kịp thời của lãnh đạo TP khi quyết định ban hành Công văn số 38-CV/TU ngày 9-4-2001, phát động cuộc vận động vì người nghèo trên toàn địa bàn TPHCM lần đầu tiên.
Từ ngày đầu tiên phát động đó cho đến nay, Quỹ Vì người nghèo TP đã vận động được trên 740 tỷ đồng, xây mới 2.980 nhà tình nghĩa, 20.099 nhà tình thương, sửa chữa chống dột 9.057 căn, hỗ trợ 305.820 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho các cấp học, hỗ trợ 7.494 phương tiện đi học cho con các hộ nghèo để tránh nguy cơ bỏ học giữa chừng, đặc biệt với phương thức hỗ trợ từ “Quỹ Vì người nghèo” để cho dân nghèo mượn tiền trả dần không lấy lãi, từ đó đã giúp nhiều người nghèo, vượt qua khó khăn…
Chính từ điểm xuất phát rất nhân văn đó, phong trào vì người nghèo đã lập tức nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội và lan tỏa trong mọi thành phần dân cư. Là một việc làm mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, cuộc vận động đã khơi gợi truyền thống tương thân, tương trợ, nhường cơm xẻ áo khắp cộng đồng dân cư, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn TP.
Phát huy những gì đã làm được, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Dương Quan Hà khẳng định: “Thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các hình thức vận động đa dạng, phong phú hơn để vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo ở các cấp, từ đó có đủ nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu bức bạch hoặc phát sinh đột xuất của người dân nghèo địa phương”.
Cuộc vận động vì người nghèo là một điểm sáng trong hoạt động của Ủy ban MTTQ TP. Cuộc vận động đã thực sự đi vào lòng người dân TP, phát huy được truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc, thu hút được toàn xã hội chung tay chăm lo. Trong thời gian tới, MTTQ và Ban Vận động vì người nghèo các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, nhất là diện chính sách, người về hưu, hộ nghèo, người neo đơn, CNVC-LĐ, sinh viên và lực lượng vũ trang, những đối tượng bị tác động, ảnh hưởng do lạm phát gặp khó khăn. Các đơn vị phải nắm chắc diễn biến đời sống, hoàn cảnh của những hộ này để kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền huy động các nguồn lực xã hội chăm lo một cách căn cơ, bền vững, đặc biệt chú ý những trường hợp cận nghèo vừa qua khỏi chuẩn 12 triệu đồng/người/năm. Với những trường hợp này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ về tinh thần, vật chất để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống như miễn, giảm một phần học phí cho con em khi đến trường, chi phí khi đi khám, chữa bệnh, tạo điều kiện tham gia vào một số chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương… Các cấp ủy Đảng phải xem cuộc vận động vì người nghèo là một nội dung trọng tâm trong chương trình công tác của mình để chỉ đạo việc triển khai thực hiện, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ TP lần IX, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo tăng hộ khá mà TP đã đề ra.
TPHCM là nơi khởi nguồn của nhiều chương trình, nhiều cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, trong đó có cuộc vận động vì người nghèo. Từ đó, mô hình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn TP đã chính thức được nhân rộng ra cả nước. Cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm lòng hảo tâm, nhiều tấm gương vượt khó, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu hưởng ứng tích cực cuộc vận động. Cùng với hàng ngàn, hàng vạn việc làm thầm lặng, nghĩa tình trong cộng đồng dân cư đã không ngừng xuất hiện tô thắm cho truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. |
Hồng Hiệp