
21.893m2 là tổng số diện tích đất ruộng của 9 hộ dân ngụ tại khu phố 3, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 bị chiếm, bị thu hồi. Họ vốn là những người dân thuần nông chất phác, sinh sống bằng nghề trồng lúa trên mảnh đất ven sông Sài Gòn từ nhiều đời nay.
Khi nông dân mất ruộng

Ông Phạm Văn Kết và ông Phạm Văn Xiến chỉ thửa ruộng của mình bị chiếm.
Năm 1990, Hợp tác xã Nông nghiệp I, huyện Thủ Đức (cũ) tiến hành điều chỉnh đất đai theo định mức bình quân nhân khẩu, trong đó có phần đất dành cho 9 hộ dân nói trên và những tá điền thời chế độ cũ.
Vừa mới đăng ký quyền sử dụng đất tháng 3-1991, làm được 2 vụ lúa và đóng thuế đất nông nghiệp được 1 năm thì cuối năm đó, hộ gia đình ông Phạm Văn Khoác, ngụ tại 351 Chùa Ông, phường Cát Lái, đã chiếm toàn bộ số đất ruộng của cả 9 hộ dân. Sau khi bị mất đất, những hộ dân này phải chuyển nghề, nhiều người đi làm thuê làm mướn.
Ông Phạm Văn Kết, một trong những hộ dân bị mất đất, năm nay đã 71 tuổi nhưng ngày ngày vẫn phải lăn lộn với nghề xe ôm. Các con trai của ông sắm được chiếc ghe chở thuê trên sông, ai thuê gì thì chở nấy. Nhà chật lại đông con, mấy người con khi dựng vợ gả chồng đành dựng tạm lều bằng lá dừa ven sông để làm nơi sinh sống. Cho đến bây giờ, họ vẫn không ngờ ao ước có lại đất cày ngày càng chìm vào vô vọng.
Rơm rớm nước mắt, vợ ông Kết nói với chúng tôi: “Lâu nay chúng tôi không biết kêu ai, chẳng biết làm thế nào để lấy lại đất!”. Hầu hết những người nông dân này đều không biết chữ, chỉ có nhà ông Kết có một người con gái làm giáo viên đại diện viết đơn thư khiếu nại. Việc đòi lại đất bất thành sau một thời gian quá dài đã làm một số hộ hết kiên nhẫn, cam chịu mất đất; một số người thì đã qua đời.
Gia sản duy nhất mà họ còn giữ là mảnh giấy biên nhận hồ sơ ĐKQSĐ và biên lai đóng thuế đất nông nghiệp. Những mảnh giấy đã ngả sang màu ố vàng cùng với tuổi tác già nua của họ, còn ruộng đất theo thời gian đã tăng giá trị lên nhiều lần và ngày càng có nguy cơ vuột hẳn khỏi tay họ.
Từ hòa giải, thu hồi đến hoán đổi
Sau khi bị hộ ông Khoác chiếm đất, 9 hộ dân mất đất đã nhiều lần báo cáo sự việc lên các cấp chính quyền, nhưng mãi đến ngày 26-6-1997 UBND phường Cát Lái mới đứng ra giải quyết bằng cách... hòa giải. Theo ông Phạm Văn Kết, những trường hợp chấp nhận hòa giải, tự chia chác đất với nhau thì không bị mất luôn đất. Riêng 9 hộ dân này thấy vô lý nên không chấp nhận kiểu hòa giải như vậy và tiếp tục khiếu nại.
Đến ngày 24-12-1998, Chủ tịch UBND quận 2 ký Quyết định số 2770/QĐ-UB-QLĐT, trong đó có nội dung: “UBND quận 2 nhận thấy phần đất có diện tích 21.893m2 thuộc thửa 445, 452, 454, 464, 465, 466, 467, 468, 469, 470, 472, 1936 tờ bản đồ số 3, phường Cát Lái có nguồn gốc do ông Phạm Văn Khoác khai thác sử dụng trước 1975. Sau 1975, Nhà nước thống nhất quản lý đất đai. Đến năm 1990, HTXNN điều chỉnh và giao cấp đủ đất canh tác cho gia đình ông Khoác, phần còn lại chia cho 9 hộ xã viên không có đất sử dụng ổn định.
Vì vậy, việc gia đình ông Khoác dựa vào các chứng thư của chế độ cũ để tự ý chiếm lại đất của 9 xã viên nói trên là vi phạm pháp luật”. Cũng trong bản quyết định này, UBND quận 2 yêu cầu gia đình ông Khoác phải giao lại 21.893m2 chiếm giữ trái phép, giao lại cho UBND phường Cát Lái quản lý và “xem xét nhu cầu sử dụng của các hộ, lập báo cáo trình UBND quận giải quyết”.

Một tờ biên nhận đăng ký QSDĐ của nông dân Nguyễn Văn Phấn.
Sau khi có quyết định trên, ông Phạm Văn Khoác đã khiếu nại lên UBND TP. Ngày 25-9-1999, UBND TP có Quyết định số 5646/QĐ-UB-TD, bác nội dung đơn đòi lại 21.893m2 của ông Khoác và công nhận quyết định của UBND quận 2.
Sẽ không có gì đáng nói nếu sau đó UBND phường Cát Lái phân chia lại đất cho 9 hộ dân canh tác, nhưng chính quyền địa phương đã tự ý sử dụng phần đất nói trên vào các mục đích khác mà không hề đoái hoài gì tới quyền lợi của 9 hộ dân.
Ngày 23-3-2000, UBND quận 2 đã lập biên bản thu hồi đất theo quyết định của UBND TP, với sự có mặt của đại diện nhân viên phòng tư pháp, đại diện của UBND phường Cát Lái và vợ của ông Khoác, nhưng không mời 9 hộ dân bị chiếm đất. Trong nội dung biên bản có ghi ý kiến của vợ ông Khoác xin lại 4.000m2 đất để canh tác (được biết yêu cầu này sau đó đã được chấp thuận-PV).
Ngày 11-4-2002, Phó Chủ tịch UBND quận 2, bà Thái Thị Hạnh, đã ký xác nhận đồng ý trong tờ trình của Phòng QLĐT quận 2 về việc sử dụng toàn bộ phần đất 21.893m2 thu hồi trên cộng thêm 4.l38m2 và 394.755.400 đồng để hoán đổi cho bà Đỗ Thị Nga, lấy 26.031m2 đất của bà Nga tại phường Thạnh Mỹ Lợi phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Cát Lái.
Khi các hộ dân mất đất lên phường hỏi tình hình chia lại đất canh tác, họ được nghe ông Lưu Tấn Tân, cán bộ địa chính phường Thạnh Mỹ Lợi (khi đó chưa tách phường Cát Lái) cho biết đất đã được cấp cho người khác, họ thật sự tá hỏa. Trước sự phản ứng của những người dân này, cán bộ phường mới chịu photocopy biên bản thu hồi đất, tờ trình hoán đổi đất cho bà Nga và quyết định quyền sử dụng đất nông nghiệp cho bà Nga. Một kết quả thật phũ phàng với những người dân sau hơn 10 năm khiếu nại, trông chờ!
QUÝ LÂM