“Hành trình cam” - Hành trình của trái tim

Hành trình của trái tim
“Hành trình cam” - Hành trình của trái tim

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đi bộ và tổ chức các cuộc hành trình khác, cho tới khi nào cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được tốt hơn và thế giới dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nạn nhân này”, Doc Bernie Duff, cựu chiến binh người Mỹ, người sáng lập  “Hành trình cam” xúc động nói khi kết thúc cuộc hành trình tại Việt Nam.

Hành trình của trái tim

Vậy là sau gần 2 tháng, “Hành trình cam” - một cuộc đi bộ xuyên Việt nhằm giúp đỡ và kêu gọi sự ủng hộ với các nạn nhân da cam Việt Nam - đã kết thúc tại Hà Nội (hành trình bắt đầu từ  TP Hồ Chí Minh ngày 5-4). Buổi gặp gỡ và chia tay giữa các thành viên trong đoàn hành trình với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) tuy ngắn ngủi nhưng đầy cảm động.

“Hành trình cam” - Hành trình của trái tim ảnh 1

Ông Đỗ Xuân Diễn, quyền Chủ tịch VAVA với các thành viên Hành trình cam.

Ông Đỗ Xuân Diễn, quyền Chủ tịch VAVA bày tỏ sự cảm phục về chuyến đi bộ dài ngày này và nhấn mạnh “Đây là hành trình của trái tim và một việc làm nặng nghĩa tình.

Trong khi đó, Doc Bernie Duff, một cựu chiến binh người Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, người khởi xướng “ Hành trình cam” và cũng là một nạn nhân của chất độc da cam cho rằng, “Hành trình cam” ở Việt Nam mới chỉ là bắt đầu.

“Sau chuyến đi bộ này, khi trở về Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục đi bộ và tổ chức các cuộc hành trình tại nhiều quốc gia khác cho tới khi nào cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được tốt hơn và thế giới dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nạn nhân này”, ông nói.

Một thành viên khác, cũng là một cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, ông Robert Schuessler, bộc bạch: “Hành trình này có ý nghĩa rất lớn để thế giới biết nhiều hơn đến nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhất là những trẻ em đang phải chịu những di chứng nặng nề do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin”.  

Tham gia “Hành trình cam” không chỉ có những cựu chiến binh người Mỹ mà còn cả những bạn trẻ người Việt Nam. Cô gái trẻ Bùi Thị Bảo Anh ở TP Hồ Chí Minh, người đã cùng với Doc sáng lập ra chuyến hành trình này đã không giấu được niềm vui và cả sự xúc động khi tới đích là làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội sớm hơn 10 ngày.

Bảo Anh cho biết, suốt chặng đường dài hơn 1.700km, họ đã chụp và ghi lại hàng ngàn bức ảnh và thước phim. Đặc biệt, một bộ phim ngắn về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được đoàn thực hiện trên đường đi sẽ được chuyển tới giới chức Mỹ để góp phần đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Nỗi đau và sự sẻ chia

Suốt hành trình đi bộ dài hơn 1.700km qua nhiều địa phương của Việt Nam, kéo dài gần 2 tháng trời, “Hành trình cam” đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.

Thế nhưng, tất cả 10 thành viên đều cho rằng, những gian khổ mà họ trải qua trong suốt hành trình không thấm vào đâu và không thể so sánh với những nỗi đau về thể xác và tinh thần, cũng như những khó khăn trong cuộc sống mà rất nhiều nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang phải gánh chịu.

Anh Peter Mills, người Úc, một thành viên của hành trình, bị hỏng 2 chân, phải đi bằng xe lăn, tâm sự: “Những đau đớn về thể xác mà tôi gánh chịu không thể bằng nỗi đau của bất kỳ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nào mà tôi đã được gặp trên suốt hành trình”.

“Người Việt Nam quá đỗi thận thiện”, đó là những bộc bạch từ đáy lòng các thành viên trong nhóm “Hành trình cam”. Đối với họ, những ấn tượng và cảm xúc trong suốt chặng đường không chỉ là những em bé với ánh mắt vô hồn, thân hình biến dạng do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin mà còn là những nụ cười, tình cảm, sự ủng hộ của rất nhiều người dân Việt Nam dành cho đoàn.

“Từ một chị bán nước ở Quảng Nam cứ cố đuổi theo đoàn chỉ để tặng mấy chai nước suối. Hay một cậu bé ở Quảng Trị đã rút 500đ đưa cho Doc để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam... Tất cả những người dân bình dị này đều mong muốn được đóng góp một chút gì nhỏ bé của mình cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, Bảo Anh tâm sự.

 Ngày 4-6, Doc và Robert đã rời Việt Nam trở về Mỹ. Họ cho biết, khi về Mỹ sẽ gặp gỡ thống đốc bang Washington để trao đổi và cung cấp những hình ảnh và thông tin thực tế về cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhằm giúp cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam có thêm bằng chứng trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Sau đó, họ dự định tổ chức một cuộc “Hành trình cam” trên đất Mỹ từ Washington tới Chicago.


Quốc Lập

Tin cùng chuyên mục