Khi cầm trên tay chiếc giấy chứng minh nhân dân vừa được cấp với đúng tên tuổi cúng cơm của mình, tôi chợt lặng người với một cảm xúc không tả được.
Một chuyện hết sức bình thường đối với mọi công dân Việt Nam khi đến tuổi trưởng thành, vậy mà số phận đã đưa đẩy tôi phải trải qua cả quãng đời thanh xuân của mình với đủ đầy mùi vị, thậm chí suýt mất cả mạng mới có được sự chứng nhận của xã hội và luật pháp về nhân thân!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ Sài Gòn, cả nhà tôi hồi hương về Lộ Tẻ Ba Xe thuộc xã Tân Thới, huyện Ô Môn, tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ. Sau này tôi mới biết đấy chính là Lộ Vòng Cung, một tuyến lộ có tầm chiến lược quan trọng trong chiến tranh với cả hai bên. Nó nằm bao bọc TP Cần Thơ như một vành đai phòng thủ, chạy dài từ xã Phước Thới, qua Ba Xe, Cầu Nhiếm, Phong Điền đến Cái Răng của huyện Châu Thành. Năm 1968, bộ đội đã lấy Lộ Vòng Cung làm bàn đạp đánh vào sân bay Trà Nóc và TP Cần Thơ. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học viết về tuyến lộ này, mà 2 câu thơ “Vòng Cung đi dễ khó về. Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” của nhà thơ quá cố Lâm Thao tưởng cũng đủ nói lên mức độ ác liệt của nó.
Tác giả trình bày ca khúc của mình trong đêm Nguyên tiêu 2011.
Như một số bà con thân tộc của hai bên nội ngoại từ nhiều vùng miền khác nhau quay về sinh sống cặp tuyến lộ này sau khi chiến tranh chấm dứt, gia đình tôi được bà ngoại và mấy cậu chia lại 3 công đất và một mảnh đất nhỏ cất nhà. Lộ Vòng Cung lúc bấy giờ còn thưa thớt, hoang vắng lắm. Từ Liên tỉnh lộ 91 đi vào hai bên là năn, sậy và những bãi lầy đầy lục bình. Mặt đường thì khúc khuỷu, lồi lõm, có đoạn bị đứt ngang dài cả vài chục mét. Còn cầu sắt Giáo Dẫn, cái ranh giới giữa 2 xã Phước Thới và Tân Thới đã mất sạch ván lót, chỉ còn trơ lại khung sắt mà mỗi lần đi qua tôi đều hồi hộp thót tim vì sợ rớt xuống sông. Xóm tôi nằm phía trong cầu sắt Giáo Dẫn, ngoại trừ ngôi nhà đúc của cậu Sáu, còn lại đều là nhà lá. Cả xóm cũng chỉ độc nhất nhà cậu có chiếc ti vi trắng đen đời cũ, có 4 chân đứng và 2 cánh cửa kéo ra, kéo vào. Dân ở đây mê cải lương lắm, mỗi khi nghe tiếng máy đèn nổ xình xịch là gần như cả xóm có mặt, kẻ bưng đèn cốc, người đi thầm kéo nhau đến chật cứng cả khoảng sân phơi lúa phía trước.
Vào thời điểm những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, nền kinh tế của nước ta ở vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, giai đoạn của phân phối, của sổ mua hàng. Những người dân cố cựu ở đây hầu hết sống bằng thửa ruộng, mảnh vườn của mình. Có thể không giàu lên được nhưng cũng không đến nỗi phải đói khổ. Trong khi đó, gia đình tôi lại hoàn toàn xa lạ với công việc này. Mấy công ruộng bà ngoại cho chẳng làm gia đình tôi đủ gạo ăn ngày hai bữa. Tôi nhớ lần đầu tiên ra ruộng làm cỏ lúa, tôi đã giật mình hoảng hốt khi thấy một công ruộng lớn đến như vậy. Và ngay cả việc phân biệt cây lúa với cọng cỏ đối với tôi cũng chẳng dễ dàng gì.
Tôi không thể nào nhớ hết bao nhiêu công việc không tên mà má tôi đã làm để hàng ngày mang về nhà 1, 2 lít gạo cho mấy anh em tôi no lòng. Từ việc làm bánh bán rong trên các nẻo đường quê, đến mua đi bán lại các loại hàng cấm như gạo, thịt, thuốc tây của thời bao cấp. Đoạn đường từ nhà tôi ra đầu lộ dài hơn 2km lúc ấy rất khó đi, chưa kể có thể rơi xuống cầu sắt Giáo Dẫn bất cứ lúc nào nếu sơ sẩy. Vậy mà hàng đêm má tôi phải đội trên đầu hai, ba chục lít gạo đi bộ ra đầu lộ đón xe đi Cần Thơ khi gà chưa gáy bận một.
Mấy anh em tôi lần lượt ly hương. Khởi đầu là ông anh thứ hai, đi lái máy cày tận Nông trường Phương Ninh, nghe đâu ở chỗ mà người ta gọi là Lung Ngọc Hoàng gì đó. Tôi thì ai mướn gì làm đó từ lò gạch, lò vôi đến lò đường! Bàn tay học trò cầm viết, cầm đàn lửng tửng lừng tưng ngày nào nay thao tác nhuyễn nhừ cây vợt hớt bọt lò đường… hai bàn tay chai từng cục dày đến nỗi đã hơn 30 năm rồi mà giờ đây xòe hai bàn tay ra những nốt chai vẫn còn!
Bước ngoặt của cuộc đời tôi khởi đầu khi đứa em trai thứ năm vừa tròn 18 tuổi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Cả nhà lúc bấy giờ, mọi việc ruộng rẫy, đồng áng chỉ trông cậy vào nó. Lớn lên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng học hành dở dang, chỉ biết cắm đầu vào cây lúa, cọng rau, tôi và ông anh thứ hai lang bạt kiếm cơm khắp nơi, thỉnh thoảng mang về nhà ít tiền. Nếu để nó đi thì gia đình thật sự bế tắc dù thật tình mà nói, ruộng, rẫy cũng đã đủ ăn đâu. Tôi quyết định quay về nhà thay thế em mình đi bộ đội. Những năm đầu thập niên 80, địa phương chỉ yêu cầu đủ chỉ tiêu quân số là xong nên tôi dễ dàng mang tên của đứa em (chỉ khai năm sinh lớn hơn vài tuổi cho hợp với cái mặt già chát của mình) và trở thành một người lính.
Thật ra, khi quyết định đi bộ đội, ngoài chuyện để em mình ở nhà đỡ đần gia đình, tôi còn có một mong muốn khác là khi xuất ngũ trở về sẽ được nhận vào làm việc ở một cơ quan nào đó có lương bổng hàng tháng, thoát cảnh phải đi làm thuê, làm mướn cực nhọc. Không ngờ khi mơ ước này thành hiện thực thì tôi lại rơi vào cái mớ bòng bong rối bời mà sau này xở gỡ thiệt là trần thân.
3 năm 6 tháng trời mặc áo lính, tôi đã đi khá nhiều nơi. Từ anh tân binh của Sư đoàn 869 Sóc Trăng, tôi thành học viên lớp sư phạm của Trường Văn hóa Quân khu 9 ở Bình Đức, Mỹ Tho; mãn khóa được điều động về D (tiểu đoàn) huấn luyện thuộc Sư 8, quân tình nguyện tại Campuchia (chiến trường K) lúc bấy giờ. Nhờ có chút năng khiếu viết lách, văn nghệ nên suốt thời gian tại ngũ, tôi không hề có cảm giác nặng nề mặc dù chiến trường K lúc ấy cũng đầy bom đạn, chết chóc.
Chỉ mới thoát khỏi cái họa diệt chủng không bao lâu, đất nước Campuchia đang ở vào giai đoạn đầu của sự khôi phục. Khắp nơi đổ nát hoang tàn. Nhiệm vụ của những người lính lúc bấy giờ không chỉ đơn thuần là truy quét bọn tàn quân Khmer Đỏ vẫn còn lẩn khuất trong rừng, chực chờ có cơ hội là “cắn” trộm, mà còn phải giúp nhân dân bạn xây dựng lại đất nước. Là giáo viên, ngoài thời gian soạn giáo án, lên lớp, gần như tất cả thời gian còn lại tôi và đồng đội tập trung cho lao động. Khi thì vào rừng đốn cây đem về cho bà con dựng nhà, khi thì giúp gặt lúa hoặc cày bừa, trồng tỉa gì đó. Mệt nhưng rất vui. Cứ mỗi dịp lễ tết của bạn là bọn lính chúng tôi được ăn bánh tét mệt nghỉ, từ phum sóc gần đó bà con mang đến đơn vị có khi cả xe bò bánh tét và đủ thứ thức ăn khác. Chính những ký ức trong quãng thời gian cầm súng không thể nào quên này đã đi vào nhiều tác phẩm văn học của tôi sau này.
Cuối năm 1989, trong đoàn quân tình nguyện rời khỏi chiến trường K có tôi quảy ba lô trở về gia đình với quyết định xuất ngũ trong tay. Tôi trở về với mái lá nghèo năm xưa cặp con kinh nhỏ, vẫn những đứa em đang tuổi ăn, tuổi học thiếu thốn mọi bề, vẫn bước chân líu ríu chạy gạo của má tôi. Phải tìm một công việc gì đó trong thời gian nhanh nhất, tôi sực nhớ khi còn ở Trường Văn hóa Quân khu, trong lần về phép tình cờ được xem một hội diễn văn nghệ mà ấn tượng nhất là các tiết mục của Phòng Văn hóa huyện Thốt Nốt. Sẵn có cây đàn guitar với mớ kiến thức âm nhạc tự học, tôi mày mò viết 3 ca khúc gửi kèm một lá thư nói rõ nguyện vọng của mình là muốn làm việc tại Phòng Văn hóa huyện Thốt Nốt. Hơn tuần lễ sau, tôi nhận được một lá thư, người viết là anh Trần Văn Tới, Phó phòng Văn hóa huyện lúc bấy giờ cho biết đồng ý nhận tôi vào làm việc. Thế là tôi mang toàn bộ hồ sơ xuất ngũ mang tên em trai tôi lên Thốt Nốt nộp vào bộ phận tổ chức của Phòng Văn hóa. Theo quy định, lúc bấy giờ bộ đội xuất ngũ sẽ được nhập khẩu trực tiếp vào cơ quan làm việc theo quyết định ra quân và các loại giấy tờ khác chuyển về từ đơn vị.
Mọi việc sẽ êm xuôi không có chuyện gì đáng nói và tôi sẽ mang cái tên của em trai mình đi suốt cuộc đời. Thật ra, chuyện anh mang tên em, em mang tên anh thay thế đi bộ đội không phải là ngoại lệ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cái rắc rối của tôi ở chỗ sau khi đi làm khoảng 1 tháng, tôi được cho hay do sơ suất của người lưu giữ hồ sơ, toàn bộ giấy tờ xuất ngũ của tôi bị mất nên không thể nhập khẩu vào cơ quan. Thật tình mà nói lúc đó tôi chưa ý thức việc nhập hộ khẩu là quan trọng mà lại nghĩ mình đã làm việc trong cơ quan nhà nước, rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa, nên chỉ đến Huyện đội Ô Môn xin photocopy tờ quyết định xuất ngũ bỏ túi, sau đó điềm nhiên làm việc hết nơi này đến nơi khác qua các hợp đồng lao động mà không biết rằng chính điều này đã gây cho tôi biết bao rắc rối sau này.
Từ Phòng Văn hóa tôi được điều sang làm phóng viên của Đài Truyền thanh huyện Thốt Nốt. Tại đây, cái năng khiếu viết lách của tôi được phát huy. Tôi say sưa viết đủ các thể loại vừa để phát trên đài nhà vừa cộng tác các báo, đài tỉnh… Gần 2 năm làm việc tại Thốt Nốt tôi đã gặp một nửa của đời mình.
(Còn tiếp)
NGUYỄN TRUNG NGUYÊN