Hành trình trên miền đất dữ

Khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nghĩa vụ quốc tế thì dư chấn trận động đất vẫn còn. Dư chấn ở miền đất dữ khiến con người chao đảo và té ngã.

Chính vì vậy, đoàn công tác Việt Nam và các nước phải dựng tạm các lều và dùng tấm bìa cứng, thảm để ngả lưng nghỉ ngơi. Giữa ngổn ngang tứ bề đất đá, trong tiết trời giá lạnh…, các đoàn công tác đã quyết tâm tiến hành công việc tìm kiếm nạn nhân và thi hài người đã mất với nỗ lực cao nhất.

Đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đoàn cứu nạn quốc tế

Đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đoàn cứu nạn quốc tế

Lên đường vội vã

Ngày 6-2-2023, một trận động đất khoảng 7,8 richter làm rung chuyển nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, nhiều đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế đã lên đường đến đất nước đau thương này. Thông tin ban đầu cho biết, Việt Nam sẽ cử đoàn cứu nạn, cứu hộ (CNCH) sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không biết ai sẽ đi và đi lúc nào.

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Đội phó Đội Công tác chữa cháy và CNCH Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Phòng PC07) Công an TPHCM, cho biết: “Trong các cuộc họp giao ban, Trưởng Phòng PC07, Đại tá Huỳnh Quang Tâm đã chỉ đạo chúng tôi khẩn trương chuẩn bị và chờ lệnh lên đường. Gần 2 tấn thiết bị CNCH nhanh chóng được “đóng thùng”, sẵn sàng cơ động. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho anh em, thủ trưởng đã chỉ đạo anh em hậu cần ra chợ mua ngay mấy bộ quần áo lạnh”. Do vậy, khi được lệnh điều động từ Bộ Công an, các cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) vẫn chưa chuẩn bị gì cho riêng mình.

Vừa nhận được lệnh điều động, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, 1 trong 5 CB-CS cừ khôi trong lực lượng PCCC TPHCM liền điện thoại nhờ vợ chuẩn bị quần áo. Về đến nhà, Thiếu tá Đạo chỉ kịp xách valy quần áo và chạy một mạch đến điểm tập kết. Trung tá Nguyễn Chí Thành thì chỉ gọi điện thoại cho vợ báo tin mình đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ và lao về phòng quơ vội mấy bộ đồ nhét vô ba lô… Không vội vàng sao được: 12 giờ ngày 9-2 nhận lệnh và 15 giờ phải tập trung ở Bộ Công an. Phương tiện đã sẵn sàng!

Đến sân bay, các CB-CS Công an TPHCM kéo ngay valy vào phòng cách ly. Nhân viên sân bay đã hỗ trợ tối đa việc hoàn thành các thủ tục soi, chiếu hành lý; soát xét giấy tờ tùy thân… Trung tá Nguyễn Chí Thành được chỉ định và bổ nhiệm chức vụ “Tổ trưởng Tổ đặc nhiệm CNCH Công an TPHCM”. Đang kéo valy ra máy bay thì điện thoại của các thành viên đồng loạt rung. Đầu dây bên kia yêu cầu các thành viên chụp ngay ảnh chân dung gửi về để làm… hộ chiếu!

Trung tá Nguyễn Chí Thành cười cười cho biết: “Lúc này, chúng tôi mới tá hỏa. Bởi lẽ, cả 5 anh em chúng tôi đều chưa có hộ chiếu. Hình ảnh chụp gửi qua Zalo thì đơn giản, nhưng không ai có cái áo trắng để chụp ảnh thẻ theo đúng quy định. Thôi thì có sao để vậy! Yên vị trên máy bay, chúng tôi lật đật khai báo thông tin cá nhân. Rất may khi vừa khai báo các thông tin cuối cùng thì điện thoại mất tín hiệu...” Đúng 22 giờ, đoàn CNCH Bộ Công an gồm 24 CB-CS cứu hộ và nhân viên y tế lên đường bay sang TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu hành trình đầy cam go, thử thách, khắc nghiệt!

Kỳ tích Việt Nam

Ngày 10-2, đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đại úy Nguyễn Trường Nam, thành viên Tổ đặc nhiệm CNCH Công an TPHCM, cho biết: “Theo sự phân công của Cơ quan ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), chúng tôi thực hiện công tác tìm kiếm, CNCH tại TP Adiyaman, cách Istanbul 300km. Ban đầu đoàn xe dự kiến sẽ di chuyển trong thời gian 6 giờ đồng hồ, tuy nhiên tuyết rơi rất dày, đường trơn trượt và một số đoạn bị hư hỏng do động đất, do vậy phải hơn 10 tiếng chúng tôi mới đến nơi. Vừa đến nơi, chúng tôi bắt tay ngay vào công tác tìm kiếm. Thú thực trong đoàn chưa ai ăn gì, nhưng không hiểu có sức mạnh vô hình, thiêng liêng nào đó đã tiếp sức cho anh em chúng tôi”.

Trung tá Nguyễn Chí Thành tiếp lời: “Chúng tôi thực hiện ngay nhiệm vụ vì đã xác định đang đi tìm sự sống cho các nạn nhân. Mặc dù đã 4 ngày trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn tin sẽ còn người sống sót. Đó là một tòa nhà trên đường 531, TP Adiyaman, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đã nhiều lần tham gia CNCH trong các sự cố nhà sập, công trình xây dựng đổ sụp sau vụ cháy…, nhưng trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng đổ sụp, ngổn ngang, tang thương như vậy.

Theo các cơ quan hữu quan thì vị trí này đã vùi lấp khoảng 15 người sau trận động đất hôm 6-2. Những tòa nhà có nền móng và kết cấu rất yếu, do vậy sẵn sàng đổ sập bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, chúng tôi phải lập phương án cụ thể để tiếp cận hiện trường. Chính quyền TP Adiyaman đã cấp cho chúng tôi 5 xe chuyên dùng để đào bới!”.

Càng về đêm, khí hậu càng khắc nghiệt. Nhiệt độ xuống âm 10 độ. Bộ đồ lạnh mà đồng chí Trưởng Phòng PC07 trang bị cho anh em không đủ chống chọi, anh em phải mặc thêm quần, áo. Ai nấy nhìn như robot, nhưng dứt khoát không bỏ cuộc. Và, kỳ tích đã xảy ra.

Thượng úy Nguyễn Văn Trung cho biết: “Khoảng 18 giờ, qua máy dò tìm, Trung tá Chí Thành đã phát hiện và xác định 1 nạn nhân còn sống. Đồng chí Thành báo cáo Trưởng đoàn. Đội CNCH Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp cơ quan điều phối Thổ Nhĩ Kỳ để huy động thêm lực lượng, thiết bị. Lúc này, Đội CNCH của quân đội Pakistan làm việc ở phía sau tòa nhà cũng phát hiện sự sống. Họ đã dùng máy dò sóng siêu âm xác định vị trí nạn nhân và lên phương án tìm cứu người. Trung tá Chí Thành xung phong xuống hố để tìm nạn nhân!”.

Trung tá Nguyễn Chí Thành kể: “Tôi đã dùng tay moi một lỗ và chuyển từng khối xà bần ra ngoài. Đội CNCH quân đội Pakistan cũng đào một lỗ vòng từ phía bên kia. Vừa đào lỗ tôi vừa gọi “Hello!”, có giọng trả lời “Hello!”. Tiếng trả lời càng lúc càng gần. Người tôi run lên vì vui sướng. Khoảng gần 10m, tôi tiếp cận được căn phòng nơi có nạn nhân. Trần nhà đổ sập, nhưng có một đoạn bị cấn cây đà, nên còn khoảng hở khoảng 1m. Ống nước bị bể, cả căn phòng ngập nước. Chắc có lẽ nhờ vậy mà cậu bé này sống sót. Đúng là quá thần kỳ. Khuôn mặt cậu bé vẫn còn hồng hào và không bị thương tích gì cả. Nơi đây chúng tôi đã tìm được 14 thi thể nạn nhân và trước đó, cũng tại vị trí này đã có 2 đoàn CNCH đến làm việc, nhưng không tìm được nạn nhân”.

Chuyến xuất ngoại tham gia công tác CHCN của đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt với chính quyền và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cảm tình của các đội CNCH các nước vì thành tích tìm, cứu sống 1 nạn nhân và tìm kiếm được 14 thi thể tại nhiều vị trí.

Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết: “Ngoài cung cấp phương tiện, chính quyền đã cắt cử người bảo vệ cho đoàn công tác Việt Nam. Khi hay tin chúng tôi cứu sống được nạn nhân, nhiều người đã bày tỏ sự tin tưởng, mến thương. Cứ khoảng 1 giờ, họ mang thức ăn đến cho chúng tôi. Nhưng vì không quen nên cố gắng lắm chúng tôi chỉ có thể ăn được bánh mì. Bộ Công an đã chuẩn bị công tác hậu cần rất chu đáo. Chúng tôi có đầy đủ nước uống và thức ăn mang theo, nhờ đó anh em giữ sức khỏe để phục vụ công tác quốc tế. Chuyến đi gian khổ, nhưng đã giúp anh em chúng tôi thấu hiểu thế nào là tinh thần quốc tế cao cả. Làm việc chung với nhau, chúng tôi đã học hỏi được hợp đồng tác chiến, kỹ - chiến thuật và làm việc với thiết bị, khí tài hiện đại trên thế giới; đặc biệt là công tác chỉ huy, điều hành, phân phối sức, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Chuyến công tác đặc biệt này đã giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm, xây dựng giáo án huấn luyện, tham mưu cho lãnh đạo về trang bị phương tiện kỹ thuật để chủ động nắm và làm chủ tình hình khi động đất xảy ra!”.

Trong hơn 20 năm tham gia công tác chữa cháy và CNCH, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã cùng đồng đội tham gia gần 1.000 vụ chữa cháy và CNCH. Qua đó, anh cùng đồng đội đã cứu được nhiều tài sản có giá trị, dập tắt nhanh chóng nhiều vụ cháy, cứu sống hàng trăm người, tìm được hàng trăm thi thể; mò tìm hàng trăm tang vật vụ án để hỗ trợ cơ quan cảnh sát điều tra phá án; giải cứu hàng chục trường hợp có ý định tự tử… Với các thành tích xuất sắc trong công tác, Trung tá Nguyễn Chí Thành được Bộ Công an đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tin cùng chuyên mục