Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6 tại Brussels, Bỉ, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, đã đề xuất chiến lược mới về chính sách đối ngoại và an ninh của khối. Trọng tâm của chiến lược là EU sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai.
Thay đổi hàng loạt
Bản đề xuất chiến lược dày 32 trang với tiêu đề “Tầm nhìn chung, Hành động chung, vì một châu Âu hùng mạnh” được xem là những cơ sở đầu tiên về chính sách đối ngoại và an ninh mới của châu Âu. Theo đó, các nước thành viên có toàn quyền về chính sách quốc phòng mỗi nước, song các nước sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ một nền “công nghiệp quốc phòng châu Âu”. Để tăng sức ép với mỗi nước thành viên, bà Mogherini dự định có cơ chế kiểm tra định kỳ chính sách kinh tế và tiền tệ châu Âu. Ngoài ra, bà muốn xây dựng sự hợp tác giữa EU và NATO để châu Âu có thể sẵn sàng hành động trong trường hợp cần thiết. Truyền thông châu Âu cho biết, mặc dù bản chiến lược nêu trên đã được hoàn thành từ lâu, song EU muốn công bố bản chiến lược này sau kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời EU (Brexit).
Các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Wall Street, Mỹ, chưa hết sốc vì Brexit
Về kinh tế, EU cũng khẳng định tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ký kết Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ bất chấp tình huống Brexit chưa từng có tiền lệ đang diễn ra. Quan chức cấp cao phụ trách thương mại của EU - bà Cecilia Malmstroem nhấn mạnh, EU thống nhất và nhận thức rõ ràng về chính sách thương mại chung của khối, đồng thời nêu rõ các cuộc đàm phán với các đối tác quan trọng sẽ được tiếp tục. Bà Cecilia Malmstroem cũng bày tỏ quyết tâm đạt tối đa các tiến bộ trong những tháng tới đối với các cuộc đàm phán, đặc biệt là TTIP.
Về ngôn ngữ, người đứng đầu Ủy ban Hiến pháp của Nghị viện châu Âu - bà Danuta Hubner cho rằng, sau khi Anh rời khỏi EU, tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức của EU nữa. Hiện mọi tài liệu và văn bản luật của EU đều được dịch sang 24 thứ ngôn ngữ chính thức của các quốc gia thành viên, trong đó có tiếng Anh. Một khi ngôn ngữ này không còn được coi là một trong các ngôn ngữ chính thức thì người Anh sẽ phải tự dịch những văn bản luật này. Bên cạnh đó, tiếng Anh cũng đang là một trong 3 ngôn ngữ được sử dụng trong các bằng cấp và giấy tờ pháp lý của EU. Vì vậy, việc tiếng Anh bị thất sủng sẽ khiến các nhà nghiên cứu và các công ty sử dụng tiếng Anh mất đi lợi thế ngôn ngữ so với các đối thủ không sử dụng thứ tiếng này.
Mất trắng hơn 3.000 tỷ USD
Kể từ khi người dân Anh chọn rời xa EU vào cuối tuần trước, các tài sản rủi ro đã phải chịu áp lực rất lớn, bởi nhà đầu tư lo ngại rằng đà phục hồi vốn mong manh của kinh tế thế giới sẽ biến mất do châu Âu tan vỡ. Hơn 3.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị “thổi bay” khỏi chứng khoán toàn cầu, trong bối cảnh các đảng chính trị lớn nhất của nước Anh lâm vào tình cảnh rối ren, càng làm tăng thêm cảm giác bất ổn. Theo CNN, tại Mỹ, chỉ sau 2 phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm tổng cộng 5,40%; chỉ số Dow Jones giảm 4,89%; tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 Index mất đến 11,3%. Chỉ số FTSE 100 của chứng khoán Anh giảm 2,9%. Cổ phiếu của các ngân hàng Anh là nhóm sụt giảm mạnh nhất. Cổ phiếu của Royal Bank of Scotland mất 23%, của Barclays giảm 18%. Trên thị trường tiền tệ, bảng Anh tiếp tục giảm xuống còn 1,3178USD đổi 1 bảng. Euro giảm 1,3% so với USD, sau khi giảm 2,4% trong phiên trước. Giá vàng tăng thêm 1,1%, giá dầu WTI giảm 1,9% do USD tăng giá.
Cùng lúc này, 2 hãng xếp hạng tín nhiệm là Standard & Poor’s và Fitch đều đã hạ mức tín nhiệm của Anh lần lượt từ mức AAA xuống AA, và AA+ xuống AA. Tuyên bố của 2 hãng trên nêu rõ, quyết định Brexit khiến các chính sách của Anh ít ổn định và kém hiệu quả hơn, có thể làm giảm hiệu suất kinh tế của nước này, trong đó có phân khúc các dịch vụ tài chính lớn vốn góp phần chủ yếu tạo việc làm cho người lao động. Hãng Fitch còn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 và 2018 xuống 0,9%, từ mức 2% trước đó.
Fitch nhận định, tình hình bất ổn xuất phát từ lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân sẽ khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh suy giảm đột ngột trong ngắn hạn.
Với 395 phiếu thuận, 200 phiếu chống và 71 phiếu trắng, trong phiên họp khẩn cấp ngày 28-6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Anh ngay lập tức kích hoạt tiến trình rời khỏi EU. Các cuộc thương lượng chính thức sẽ không bắt đầu cho tới khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - đánh dấu tiến trình kéo dài 2 năm tiến hành các thủ tục rút khỏi EU. |
VIỆT ANH (tổng hợp)