Hậu Giang: Đột phá cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp

Sáng ngày 8-4, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công: 1900 86 68 95. Dự lễ có ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang.
Hậu Giang: Đột phá cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ảnh 1 Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang  ấn nút  thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Việc Trung tâm Phục vụ hành chính công và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công tỉnh, thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổ số của tỉnh nhà.

Để đạt kết quả tốt trong thời gian tới, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: “Từng công chức, viên chức của trung tâm phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phục vụ, giúp đỡ người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. Các sở, ngành triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ và kết quả giải quyết cho tất cả thủ tục hành chính được cung cấp tại trung tâm; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa quy trình khi số hóa, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kết quả điện tử thay dần cho kết quả giấy”.

Hậu Giang: Đột phá cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ảnh 2 Các đại biểu tham quan Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hậu Giang

Trung tâm Phục vụ hành chính công Hậu Giang được thành lập trên cơ sở kiện toàn Trung tâm hành chính công tỉnh (được thành lập từ năm 2017) vào tháng 8 năm 2020 theo Nghị định 61 của Chính phủ. Sau hơn 6 tháng kể từ ngày thành lập, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo nguyên tắc “4 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả; “5 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả.

Hiện nay có 26 TTHC thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và 233 TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ” (tổng số 259/1300, đạt 20%). Số hồ sơ thực hiện đúng theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và “5 tại chỗ” là 10.485, đạt 97% trên tổng số hồ sơ của các TTHC đã đăng ký. Hầu hết các sở, ngành đều thực hiện tốt. Công an tỉnh là đơn vị có số hồ sơ nhiều nhất được thực hiện theo nguyên tắc “5 tại chỗ” với hơn 8.400 hồ sơ.

Số dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4 được cung cấp tại trung tâm là 436, đạt 34%. Số hồ sơ trực tuyến là 6.959, trung bình đạt 45%, riêng Sở Công thương có số hồ sơ trực tuyến nhiều nhất với hơn 4.100 hồ sơ. Trung tâm còn được trang bị máy lấy số, máy tính, máy quét tài liệu cho người dân nộp trực tuyến, màn hành hiển thị tại các quầy…  tra cứu TTHC, máy tính bảng đánh giá hài lòng tại các quầy và màn hình hiển thị kết quả đánh giá mức độ hài lòng.

Trung tâm cũng đang triển khai thí điểm Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công qua số: 1900 86 68 95 để giải đáp các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Điểm đặc biệt của tổng đài hoạt động hoàn toàn tự động 24/24 và hoàn toàn không cần đến con người vận hành, đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm. Người dân có thể gọi điện lên tổng đài để tìm hiểu các thông tin liên quan dịch vụ công bất kể thời điểm nào và ở bất cứ đâu, chỉ cần điện thoại có chức năng nghe gọi.

Tin cùng chuyên mục