Hậu Giang phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Với những di tích lịch sử để lại và lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Hậu Giang đang hướng đến du lịch sinh thái cộng đồng, tạo hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Hậu Giang phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Với những di tích lịch sử để lại và lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Hậu Giang đang hướng đến du lịch sinh thái cộng đồng, tạo hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Du lịch homestay

Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, Hậu Giang còn có được những nét đặc trưng như Khóm Cầu Đúc (TP Vị Thanh), Nông trường Mùa Xuân (Phụng Hiệp), Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và đặc biệt là chợ nổi Ngã bảy Phụng Hiệp, cùng với các di tích lịch sử gắn với kênh rạch.

Du lịch trải nghiệm trên sông đang hấp dẫn du khách

Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng theo kiểu homestay đang được Sở VH-TT-DL quan tâm, đó là Khóm Cầu Đúc nằm cách TP Vị Thanh khoảng 10km. Trái khóm ở đây nổi tiếng khắp “Nam kỳ lục tỉnh” gần 100 năm và được nhiều người biết đến với hương vị ngọt thanh, rất riêng. Du khách đến đây sẽ ở nhà nông dân trồng khóm và được thưởng thức loại trái cây chín tới đậm chất văn hóa miệt vườn, cùng du ngoạn đường quê trên những chiếc xe đạp. Nông dân Vương Thành Sim (đang làm homestay) quảng bá: “Du khách trước khi ra ruộng khóm sẽ được trải nghiệm trên chiếc xuồng mộc chạy vòng theo con rạch uốn lượn rồi được hướng dẫn cách trồng, cắt và thưởng thức khóm ngay tại ruộng hoặc bắt cá dưới kênh rồi mang lên nướng ăn tại chỗ”. Một trong những nét du lịch của tỉnh là chợ nổi Ngã bảy Phụng Hiệp, nơi giao thương của tàu thuyền chở hàng hóa từ các nơi về đây mua bán tấp nập. Tham quan tại chợ nổi xong, du khách tiếp tục trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng ở Nông trường Mùa Xuân cách đó không xa với diện tích gần 1.500ha, thu hút nhiều loại chim quý hiếm đang về trú ngụ. Theo hệ thống kênh rạch, du khách có thể chèo xuồng ngắm các loài chim đậu trên cành, câu cá, sinh hoạt tập thể tại các khu đất trống trong rừng của nông trường vốn dĩ còn hoang sơ rất đẹp.

Đa dạng dịch vụ

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hậu Giang ưu tiên xây dựng các khách sạn từ 3 sao trở lên. Khuyến khích phát triển hệ thống ngân hàng, mở rộng các chi nhánh, chú trọng việc thanh toán qua tài khoản thẻ tại các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, mua sắm nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách. Nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông đi đến các điểm du lịch.

Nhiều công ty lữ hành nhận định, mô hình homestay ở Khóm Cầu Đúc rất hấp dẫn và thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, những hộ tham gia mô hình homestay cần chú ý đến vấn đề vệ sinh, nhất là nhà vệ sinh phải sạch sẽ mới “thắng chắc”. Nông trường Mùa Xuân tuy hoang sơ, đẹp tự nhiên nhưng cần phải có thêm phòng để lưu trú, các dịch vụ câu cá, tát nước...

Theo Sở VH-TT-DL Hậu Giang, với lợi thế được thiên nhiên ban tặng, việc phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch cộng đồng tuy không cần đầu tư nhiều nhưng phải làm “đậm chất” dịch vụ và công tác phục vụ; đưa vấn đề bảo tồn chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển kinh tế. Xây dựng và khai thác tuyến du lịch trên kênh Xáng Xà No, đặc biệt là đoạn thuộc địa bàn TP Vị Thanh. Tạo thương hiệu với các món ăn đặc trưng như cháo lòng Cái Tắc, các món chế biến từ cá thác lác, khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị…

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hậu Giang Nguyễn Duy Tân cho hay: “Tỉnh đang tập trung triển khai các dự án du lịch cộng đồng khám phá; tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, làm rẫy khóm và đan lát thủ công mỹ nghệ, thưởng thức đờn ca tài tử, giăng lưới thả câu… để trải nghiệm đầy đủ nét nguyên sơ, bình dị của làng quê sông nước Hậu Giang. Bên cạnh đó tỉnh cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trong đó nông dân sẽ là những hướng dẫn viên trực tiếp của mô hình homestay biết ngôn ngữ, cách ứng xử giao tiếp”.

QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục