Hãy để người tiêu dùng quyết định OTT

Hãy để người tiêu dùng quyết định OTT

Ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí (OTT) đang và dự báo sẽ tiếp tục là cuộc chơi mà ở đó nhà mạng lo (thực tế đã bị mất quyền lợi) nên “cáu”, trong khi nhà phát triển dịch vụ OTT không làm chủ được số phận “đứa con” của mình, dù nó đã được hàng chục triệu người tiêu dùng di động thời 3G háo hức đón nhận.

        Cái mới vào cơn lao đao

Cái mới ở đây là cách thức giao tiếp mới, phù hợp với những tiến bộ của công nghệ đã được gầy dựng, sáng tạo, trong đó có OTT. Nếu ta nhắn tin kèm theo hình ảnh biểu lộ cảm xúc, ảnh chụp và thậm chí là nhạc, lời ghi âm của chính mình mà không mất phí thì nhiêu đó cũng đủ chứng minh sự tiến bộ trong giao tiếp qua điện thoại. Đấy là chưa nói điện thoại qua OTT không mất phí, trong khi chỉ cần gửi một chữ cái trong nhắn tin của nhà mạng là đã mất tiền. OTT được hàng chục triệu người chào đón, nhất là giới trẻ và người yêu thích công nghệ sử dụng là điều đương nhiên.

Cần khẳng định, hiện các ứng dụng OTT mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, không chỉ có những chức năng cần thiết mà còn có cả yếu tố miễn phí. Đó là sức mạnh sáng tạo của OTT. Một lý do khác là thực tế các nhà OTT không thu phí người dùng bất kỳ hình thức nào vì người dùng đã phải trả chi phí data 3G của nhà mạng.

Cần thấy rằng, OTT bùng phát mạnh mẽ, không xa lạ gì với cái tên: Viber, Whatsapp, Kakao Talk, Zalo, Line… Hiện hai OTT được cho là nặng ký nhất tại thị trường trong nước là Viber với khoảng 8 triệu người dùng, theo Giám đốc điều hành Viber công bố. Zalo là sản phẩm của doanh nghiệp trong nước cũng đã có gần 8 triệu người dùng trong và ngoài nước. Viber như một ứng dụng cho những người trưởng thành, còn Zalo được định vị là sản phẩm cho giới trẻ. Thế nhưng, hiện cái mới đang lao đao, nhất là sau vài hội nghị, hội thảo về OTT có sự tham gia nhiệt tình của nhà mạng. Mấy ngày gần đây, sáng nhắn tin qua Viber chiều mới nhận được, thoại qua OTT này thì đừng cầu mong thông thoại và với Zalo còn tùy lúc...

Thực tế cho thấy, trên nền giá trị gia tăng 3G của ba nhà mạng lớn hiện nay là Viettel, VinaPhone và MobiFone, người tiêu dùng có quá ít những ứng dụng ngon lành để sử dụng, mà tiền cước không hề nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp phát triển OTT hiểu được nhu cầu người dùng… nên người dùng chấp nhận không tính toán, cụ thể người dùng sẵn sàng trả gói cước 3G của nhà mạng để được xài OTT.

Viber gửi tin nhắn khẳng định không thu phí người sử dụng.

Viber gửi tin nhắn khẳng định không thu phí người sử dụng.

        Cần “rộng lòng” hơn

Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về OTT đã được tổ chức. Mới đây nhất, tại TPHCM và câu chuyện trọng tâm người dùng quan tâm vẫn là nhà mạng có “bóp” OTT hay không. Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Viettel, khẳng định: “Không hề ngăn chặn các ứng dụng OTT dù những ứng dụng đó đã làm doanh thu của chúng tôi giảm sút”. Còn theo đại diện MobiFone: “MobiFone không đụng chạm gì đến các ứng dụng OTT”… Có thể xem đây là khẳng định của nhà mạng, còn thực tế người dùng thừa biết. Tuy nhiên cũng cần nhìn lại, ở đây có thể nói, chưa có nhà phát triển OTT nào chính thức lên tiếng việc nhà mạng “bóp” dịch vụ OTT của họ nhưng việc họ kiểm tra và theo dõi “hơi thở” của đứa con mà họ sinh ra là có..., nên ở đây, rất cần sự minh bạch giữa hai bên. Đó là việc của cơ quan quản lý nhà nước.

Một số lập trình viên khẳng định rằng: Nếu nhà mạng có “bóp” OTT thì cũng chính là bóp chết sự sáng tạo riêng của ứng dụng sống cùng thời đại 3G. Hãy để người tiêu dùng quyết định sự sống còn của OTT. Nhà mạng cũng nên bớt suy tính thiệt hơn vì xét cho cùng, người dùng có xài OTT cũng phải dùng sóng của nhà mạng và hàng tháng đóng tiền cho nhà mạng chứ đâu phải dùng chùa. Hay nói cách khác: “Hãy để người tiêu dùng thụ hưởng nhiều tiện ích miễn phí một cách văn minh chứ không gò ép”, như lời chị Quỳnh Chi, một nhân viên ngân hàng cho biết.

Với OTT cũng thấy rõ, khách hàng càng đông, ứng dụng đó sẽ thu hút nhiều quảng cáo và các hình thức kinh doanh khác. Phần nào đó, nguồn thu này sẽ đem lại sức sống cho các nhà phát triển OTT. Đây cũng là lẽ thường để cùng chung sống với nhau và có như vậy thì mới tiếp tục có những sản phẩm khác tốt hơn để người dùng được thụ hưởng. Nếu cơ quan tham mưu cho Bộ TT-TT là Cục Viễn thông định hình ra khung pháp lý cho OTT thì rất cần thiết có những giá trị tiến bộ, phân định rõ ràng sự nhanh nhạy của cái mới. Có như vậy, người tiêu dùng mới được thụ hưởng giá trị tốt nhất mà công nghệ mang lại.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục