Công bằng mà nói, chỉ có ở quận 1 và một số khu vực trung tâm của vài quận, huyện của TPHCM mới có vỉa hè rộng rãi, đẹp đẽ. Việt Nam là một đất nước đang phát triển, TPHCM còn gặp nhiều khó khăn nên việc đó có thể thông cảm. Thế nhưng, tại sao cứ phải để tất cả gánh nặng xây dựng vỉa hè lên vai Nhà nước trong khi một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ?
Cách nay nhiều năm, một số nhà khoa học về quản lý đô thị đã đặt vấn đề: Tại sao Nhà nước không thống nhất thiết kế vỉa hè rồi vận động người dân và doanh nghiệp bỏ tiền ra xây dựng vỉa hè ngay trước nhà mình? Lúc ấy, đã có nhiều ý kiến băn khoăn: dưới vỉa hè là hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, điện thoại, cáp truyền hình… Nếu để cho người dân không có chuyên môn làm, liệu có ảnh hưởng xấu đến hệ thống này? Khi đó cũng đã có ý kiến phản biện: Trong những trường hợp như thế, trước khi làm vỉa hè, người dân báo với ngành chức năng để ngành chức năng đưa cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ. Bàn nhiều nhưng cuối cùng, hình như giải pháp này gần như không được triển khai thực hiện rộng rãi. Thi thoảng, thấy có vài nhà hàng, khách sạn, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp và một số hộ dân chủ động xây vỉa hè trước nhà mình. Hay là đa phần vỉa hè người dân và doanh nghiệp làm rất đẹp và bền.
Thậm chí có một số nhà hàng ở quận 3 dù là bắt chước ngành chức năng trồng hoa, cây cảnh xung quanh gốc của các cây cổ thụ ven đường nhưng hoa của họ thường đẹp hơn hoa, cây cảnh của… ngành chức năng trồng (!?).
Đặt lại vấn đề này trong bối cảnh TPHCM đang quyết tâm kéo giảm 10% vụ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông so với năm 2011, người viết bài chỉ muốn nói rằng: Hãy huy động sức dân để nhẹ gánh cho TP và cũng là để có cơ hội cho người dân được đóng góp cho quê hương. Việc này, nếu làm tốt còn giúp khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm đối với TP trong mỗi người dân thông qua việc chăm sóc vỉa hè và cây xanh trong từng góc phố, con đường.
SƠN LAM