Phim truyền hình hiện nay

Hay ít dở nhiều

Hay ít dở nhiều

Đầu năm 2006, hàng loạt hãng phim hưởng ứng chủ trương “xã hội hóa truyền hình” hăm hở bắt tay làm phim. Đó là tín hiệu đáng mừng nhưng nửa năm qua, từ chất lượng phim dở đến phim “đứt sóng”, “gãy sóng” và “không có sóng”… cho thấy việc làm phim truyền hình hiện nay còn nhiều chuyện đáng bàn.

  • “Đứt sóng”, “gãy sóng” và “không có sóng”!
Hay ít dở nhiều ảnh 1

Cảnh trong phim Tuyết nhiệt đới.

Đầu năm 2006, hãng M&T Picture (thuộc Công ty Quảng cáo Đất Việt) ra đời quy tụ đội ngũ đông đảo và chuyên nghiệp từ đạo diễn, biên kịch, quay phim… cùng những dự án làm phim chi tiết đến cả ngày phát sóng, chia đôi buổi chiếu phim lúc 18 giờ trên HTV9 với TFS.

Sau bộ phim đầu tiên Đi về phía mặt trời (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), người xem chờ Tuyết nhiệt đới phát sóng vào cuối tháng 3, nhưng rồi lịch phát sóng lùi sang tháng 4, tháng 5 và bây giờ nghe nói tháng 9 mới lên sóng! Trong khi đó, giữa tháng 4, bộ phim Ghen (32 tập, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo) phải ngừng quay ở tập 10 và đến nay sau gần 4 tháng vẫn đang chỉnh sửa kịch bản để quay tiếp, chắc chắn không thể kịp lên sóng vào tháng 8 như đã định trước.

Các dự án phim khác của M&T như Cầu vồng ngày không mưa, Yểu điệu thục nữ… càng khó thực hiện đúng kế hoạch sản xuất. Hãng TFS “cứu sóng” cho M&T bằng một loạt phim mới của hãng nhưng cuối cùng đến tháng 8 này lại phải lấy phim Dốc tình đã cũ ra “trám” chương trình.
 
Trường hợp “đứt sóng” cũng xảy ra với hãng Lasta. Trải qua nhiều sóng gió của năm đầu phát sóng, sang năm thứ 2 hãng phim Lasta cơ bản giữ được tiến độ làm phim 200 tập/ năm như hợp đồng đã ký với HTV. Nhưng Lasta vẫn bị “đứt sóng” vào tháng 4-2006 khi bộ phim Anh chỉ có mình em (dài 40 tập) làm không kịp tiến độ và TFS phải “cứu bồ” bằng bộ phim Dưới cờ đại nghĩa (79 tập).

Là hãng phim tư nhân thứ 3 xông vào lĩnh vực phim truyền hình, hãng phim Gia đình Việt (Vifa) hợp tác với hãng Cj (Hàn Quốc) quay bộ phim Mùi gò gai (dài 100 tập), quy tụ một dàn diễn viên giỏi nghề của sân khấu và điện ảnh. Hãng xây hẳn một phim trường ở Bình Dương, các nghệ sĩ rất hào hứng vì lần đầu tiên được trả lương tháng rất cao cộng với cát sê thỏa đáng và học hỏi được nhiều điều từ cách làm phim rất chuyên nghiệp của Hàn Quốc.

Có người đem so sánh chuyện mua kịch bản phim ở nước ngoài cũng giống như mua bản quyền các game show. Dù các game show nói chung rất hút khán giả nhưng làm phim truyền hình lại khác, có hãng mua kịch bản từ nước ngoài về Việt hóa nhưng chưa biết cách “thổi” vào đó hơi thở đời sống của người Việt Nam.

Sau nửa năm, 20 tập phim đã hoàn thành, bỗng phim ngưng quay vì nguyên nhân mà theo đại diện Vifa là “các chuyên gia nghỉ phép” nhưng thực tế liên quan đến chuyện không thuê được kênh để chiếu phim. Đầu tháng 7, Vifa mới ký tắt được hợp đồng phát sóng với HTV và Mùi gò gai lại tiếp tục quay.

Phía Nam đã vậy, tình hình phía Bắc cũng chẳng khả quan. Hưởng ứng chủ trương xã hội hóa sản xuất phim truyền hình của Trung tâm Dịch vụ và truyền hình (TVAd) - Đài Truyền hình Việt Nam khởi xướng, nhiều hãng phim do các đạo diễn, diễn viên lập ra đã hăng hái gửi kịch bản và đang phấp phỏng chờ… Trong khi VTV đang thiếu nguồn phim mới, thường xuyên phải phát lại phim cũ, đặc biệt là trên kênh VTV1 thì TVAd vẫn án binh bất động.

Đầu ra của các bộ phim truyền hình hiện nay chỉ có một cửa là phát sóng trên truyền hình. Đài Truyền hình Việt Nam từng gây niềm tin cho các hãng phim tư nhân là có thể đổi sóng bằng quảng cáo nhưng “những người có chuyên môn làm phim lại không thể đứng ra kinh doanh quảng cáo” - một giám đốc hãng phim nhận xét. Còn hy vọng phim sẽ bán được ra nước ngoài… là điều cực kỳ khó vì phim truyền hình Việt Nam chưa đủ khả năng để cạnh tranh với phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc… Tính đến chuyện phát hành băng đĩa còn phiêu lưu hơn khi vấn nạn băng đĩa lậu vẫn hoành hành và người xem đã quen với việc xem miễn phí phim truyền hình trên sóng.

  • Hậu quả từ cách làm phim không chuyên nghiệp

Do mải chạy theo giờ phát sóng nên khâu chuẩn bị và sản xuất của các hãng phim thường không đồng bộ. Phim quay theo công nghệ mới cần phim trường chuyên nghiệp nhưng hầu như các hãng chưa có phim  trường (trừ Vifa), đa số sử dụng bối cảnh có sẵn, quay 3 ngày/1 tập phim mà diễn viên hầu hết không quen với việc thu tiếng trực tiếp tại trường quay.

Làm phim mà không biết phim hoàn thành sẽ mang chiếu ở đâu, chưa thỏa thuận được đầu ra thì... chuyện “gãy gánh” giữa đường là khó tránh. Cả nước có hơn 60 đài truyền hình và vài trăm kênh truyền hình nhưng bản quyền mua phim nước ngoài có đài chỉ trả trên dưới 1 triệu đồng/tập, chưa kể có vài chục hãng phim (thực chất là công ty quảng cáo) đã và đang nắm sóng truyền hình phát sóng phim ngoại. 

Chỉ bộ phim Mùi gò gai hút hết các diễn viên giỏi, chuyên nghiệp ở phía Nam còn hầu hết các dự án làm phim mới đều chạy đôn, chạy đáo tìm kiếm diễn viên. Các hãng phim tư nhân như Lasta, H.K Film từng có ý thức xây dựng nguồn diễn viên độc quyền nhưng một hãng thì bỏ ngang việc đào tạo để trở lại với việc chạy tìm diễn viên ăn đong từng phim, hãng kia không có phim sản xuất tiếp.

 

Kịch bản của phim truyền hình qua một loạt phim đã phát sóng như Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn giấu, Anh chỉ có mình em… (Lasta) và Đi về phía mặt trời (M& T Picture) đều bị chê là quá tệ. Mặt khác, kịch bản hiện nay đều viết theo kiểu cuốn chiếu, vừa quay, vừa viết, vừa chỉnh sửa. Các diễn viên đều phàn nàn, phim dài 30-40 tập mà chỉ được cầm 10 tập kịch bản một lúc nên rất khó hình dung và nuôi dưỡng tâm lý nhân vật.

Đóng phim mà diễn viên không biết số phận nhân vật của mình về sau thế nào, không những thế ra hiện trường, kịch bản và lời thoại còn phải chỉnh sửa liên tục. Có khi mới ký hợp đồng và nhận kịch bản, sau 3 ngày, diễn viên đã phải vào quay, không có thời gian đọc và phân tích kịch bản. Diễn viên chuyên nghiệp còn lúng túng, huống hồ diễn viên nghiệp dư, có người lần đầu đóng phim.

Đạo diễn M (xin giấu tên) đã ngỡ mình thật may mắn khi được một hãng phim tư nhân phía Nam mời vào làm phim. Sau bộ phim đầu tiên ra mắt, bị chê là “phim truyện quảng cáo”, anh M chua chát: “Giám đốc sản xuất ép chúng tôi phải lồng các cảnh quảng cáo sản phẩm vào phim, bắt diễn viên diễn với sản phẩm quảng cáo thì làm sao có cảm xúc được. Trong khi một phim quảng cáo 30 giây được đầu tư 250 triệu, còn một tập phim truyền hình 45 phút chi phí chỉ 125 triệu thì làm sao có hiệu quả cao”.

Qua tìm hiểu đội ngũ sản xuất phim truyền hình, chúng tôi nhận ra một điều: giám đốc sản xuất chuyên nghiệp và có nghề rất thiếu. Ở Công ty cổ phần Lasta, các thương nhân đến từ Thái Lan chỉ là những nhà kinh doanh đơn thuần, có tiềm lực về kinh tế, giỏi tiếp thị và… yêu phim. Họ chỉ biết bỏ tiền ra mua sóng, kêu gọi quảng cáo, còn chuyện làm phim thì đặt cả vào đội ngũ làm phim thuê mướn theo thời vụ.

Trong buổi họp báo ra mắt bộ phim Chuyện tình yêu mới đây, đạo diễn của phim đã “xin” các nhà báo nương tay vì biết là phim… dở. Đạo diễn X (xin giấu tên) ấm ức kể, giám đốc hãng phim nọ (xuất thân là dân kinh doanh, làm quảng cáo) đọc qua 7 tập kịch bản phim (tổng số 32 tập) khen hay, quyết định đưa vào sản xuất, nửa chừng xem bản quay nháp lại chê “phim chưa hay, chưa tốt, chưa đã”, bắt đổi diễn viên giữa chừng, bắt chỉnh sửa kịch bản nhưng đạo diễn đề nghị cho biết hướng giải quyết cụ thể thì không chỉ ra được phải làm như thế nào.

Biết bao cuộc hội thảo, tranh luận và đề xuất… mỗi khi bàn đến việc làm phim truyền hình. Dẫu vẫn an ủi nhau rằng, “phải đi thì mới có đường” cho phim truyện truyền hình Việt Nam phát triển, phải xã hội hóa thì mục tiêu 50% phim Việt lên sóng mới thành hiện thực, nhưng nếu không có sự đầu tư chuyên nghiệp và đồng bộ ngay từ thuở ban đầu thì khó mà có được những bộ phim truyền hình thương hiệu Việt hấp dẫn người xem trong và ngoài nước.

PHÚC NHƯ THỦY

Tin cùng chuyên mục