Khoảng 5 năm trước đây, một điều phối viên của Tổ chức Quốc tế về người tàn tật có văn phòng hoạt động ở TPHCM đã có nhận xét: “Người dân TPHCM sử dụng phương tiện giao thông… lãng phí quá. Trong một trăm chiếc xe gắn máy hai bánh lưu thông trên đường, chỉ có khoảng 1/4 xe là chở thêm người thứ hai. Số đông còn lại đi một mình. Tại sao những người trong một gia đình không nghĩ đến giải pháp cùng đi với nhau để tiết kiệm nhiên liệu?”.
Câu nói cũ song cho đến nay vẫn chưa hề lạc hậu. Thậm chí, nó còn được hâm nóng hơn khi mà nhiều người dân thành phố không những vẫn thích đi xe… một mình, mà còn có thêm sở thích đi xe phân khối lớn trong khi tốc độ lưu thông trên đường phố ngày càng chậm lại do kẹt xe. Theo một cán bộ của Đăng kiểm Việt Nam tại TPHCM, tình trạng này rất có hại cho môi trường thành phố và có tác động xấu đến quá trình biến đổi khí hậu nói chung. Động cơ không hoạt động hết công suất, xăng không được đốt cháy hoàn toàn trước khi thải ra môi trường thì khói xe sẽ rất độc hại…
Thực ra không phải chỉ có người điều phối viên của Tổ chức Quốc tế về người tàn tật nêu trên mới có nhận xét như vậy. Nhiều nhà khoa học của Việt Nam cũng đã cảnh báo về hiện tượng này, nhưng lời cảnh báo ấy chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có một quan điểm chính thức nào về việc này được ngành chức năng đưa ra cũng như chưa có một quy định nào để điều chỉnh việc sản xuất xe phân khối lớn của các doanh nghiệp sản xuất xe. Dường như trong một số cán bộ có trách nhiệm đang tồn tại một tâm lý rằng đây là chuyện riêng, là ý thích, là sự chọn lựa của người dân nên không thể can thiệp? Không biết điều này có đúng không nhưng đó là quan điểm… thiếu trách nhiệm trước trách nhiệm bảo vệ môi trường của ngành chức năng. Ngành chức năng phải có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục người dân, hãy là nhà tiêu dùng thông minh hơn trong việc sử dụng các phương tiện giao thông nhằm bảo vệ môi trường.
SƠN LAM