Sự kiện - dư luận

Hãy tạo điều kiện cho xe buýt phát triển

Xe buýt là “phương tiện giao thông công cộng chủ lực” ít ra trong 15 năm nữa, cho đến khi hệ thống xe điện ngầm, xe điện mặt đất, trên không… phủ khắp các vị trí trọng yếu của thành phố. Do vậy, tìm ra giải pháp hữu hiệu để cũng cố và phát triển bền vững hệ thống xe buýt tại TP Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp bách. Tôi đề nghị giải pháp và lộ trình như sau:

1. Đối với xe gắn máy 2 bánh
 - Buộc mọi xe gắn máy phải mua bảo hiểm, xe càng cũ thì phí đóng bảo hiểm càng cao.
- Đóng lệ phí giao thông cầu đường.
- Đóng lệ phí bảo vệ môi trường (vì thải ra CO2, SO2, CO…).
- Tăng giá gởi xe bằng cách tăng thuế đối với các bãi gởi xe.
- Tăng thuế đối với việc sản xuất xe.
- Giá xăng tăng – giảm theo giá thị trường thế giới cùng với thuế nhập khẩu, không nên giảm thuế nhập khẩu để phải bù lỗ.

2. Đối với xe ô tô 4 bánh (cá nhân) cũng phải đóng tất cả các khoản như xe gắn máy, nhưng ngoài ra còn phải:
- Có nơi gởi xe ổn định mới cho đăng ký.
- Ở một số thành phố đông dân như: TPHCM, TP Hà Nội vào những giờ cao điểm chỉ được hoạt động khi xe chở được 3 – 4 người (như ở Singapore).
Tất cả những nguồn thu trên dùng để trợ giá cho vận chuyển công cộng.

3. Các phương tiện thay thế khi cấm xe gắn máy:
a) Xe buýt cần phân thành 3 loại khác nhau:
- Xe buýt chất lượng cao (16 – 30 chỗ ngồi), trang bị hệ thống điều hòa tốt, chạy đúng giờ, không chở quá tải, thái độ phục vụ văn minh, giá cước cao hơn để không bù lỗ.
- Xe buýt thường như loại xe đang lưu thông hiện nay, có bù lỗ song cần nghiên cứu điều chỉnh các tuyến, các trạm sao cho khoa học nhất, dùng loại xe cỡ nào, giảm trùng lắp, hoạt động một chiều đối với các đường phố hẹp. Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt dành một số xe chạy theo hợp đồng, giá thỏa thuận, hạch toán riêng để giảm lỗ.
- Xe buýt giá rẻ là loại xe có kinh phí đầu tư thấp như xe lam (thùng xe được đóng lại khang trang hơn), tải trọng nhỏ, dùng cho các tuyến đường, phố hẹp mà xe lớn không vào được, cho phép chở và trả khách dọc đường, không cần ở tại bến, cho phép chở hàng hóa theo giá cả thỏa thuận. Loại này cũng được bù lỗ bằng 50% – 70% xe buýt thường.

b) Xe taxi – cũng cần phân thành 3 loại:
- Taxi chất lượng cao: dùng cho các chính khách, thương gia, doanh nhân… (có thể không dùng bảng hiệu của các hãng taxi). Giá cước tính theo lộ trình một chiều và khứ hồi (giá phải giảm), tính theo thời gian… mức đóng thuế cao hơn.
 - Taxi giá rẻ, đối với các loại xe có kinh phí đầu tư thấp, xe lam nâng cấp (thùng xe) là phương tiện rất cần cho người có thu nhập vừa và thấp, cước phí tính theo lộ trình một chiều, khứ hồi, tính theo thời gian…

c) Vận động thành lập “nhiều hợp tác xã xe ôm, đưa đón kiểu taxi” ở khắp các quận, huyện… được hưởng nhiều chế độ ưu đãi, có đồng hồ tính cước, có máy bộ đàm, tài xế mặc đồng phục (ở Thái Lan còn dùng một loại xe), cước phí tính theo kiểu của taxi, đi càng xa giá càng giảm, lượt khứ hồi chỉ tính bằng ½ giá lượt đi, cho phép chở hàng hóa.
Phải tính toán sao cho việc sử dụng xe buýt giá rẻ, taxi giá rẻ, taxi 2 bánh… chi phí thấp hơn sử dụng xe cá nhân, khi cần chỉ gọi điện thoại là có người “đón tận nhà, đưa tận nơi”. Mở thêm nhiều tuyến xe buýt giá rẻ đến các khu phố lao động. 

4.Ở các cửa ngõ đi vào thành phố, cần xây dựng các trạm gởi xe an toàn. Những trạm gởi xe này sẽ phục vụ cho những người ngoài tỉnh có việc phải vào thành phố, sau đó, họ phải chuyển sang đi bằng các phương tiện giao thông công cộng khác của thành phố. Các cơ sở này đấu thầu khoán cho các thành phần kinh tế để tạo nguồn kinh phí cho việc bù lỗ.

KS PHAN PHÙNG SANH
Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội TPHCM
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xây dựng TPHCM

Tin cùng chuyên mục